Hà Nội khuyến cáo người dân nói “không” với thực phẩm trôi nổi
Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và các lực lượng chức năng huyện Thanh Trì tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh đối với 2 cơ sở tại chợ Tam Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các cơ sở đang bày bán 1.050kg nầm lợn đông lạnh, 300kg xương lợn, 150kg đùi gà… Toàn bộ số hàng hóa trên là thực phẩm đông lạnh, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tại 2 cơ sở trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội
Để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, cũng như thực hiện Kế hoạch Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 của UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố khuyến cáo người dân nên lựa chọn các mặt hàng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, nói “không” với thực phẩm trôi nổi vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Đồng thời, sẽ tăng cường nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, Công an thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh cần chấp hành nghiêm quy định về an toàn thực phẩm, mọi hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, rượu có chất độc hại, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/ha-noi-khuyen-cao-nguoi-dan-noi-khong-voi-thuc-pham-troi-noi-12017.html
{comment}