Hà Nội: Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng, dịch vụ khám, chữa bệnh
Sở Y tế Hà Nội mới đây đã ban hành kế hoạch 3419/KH-SYT về nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu khoa khám bệnh đảm bảo quy trình khám bệnh theo dây chuyền một chiều, thuận tiện, liên hoàn với bộ phận xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng; ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh, đồng thời quản lý được thông tin, dữ liệu khám bệnh. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh; cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh dành cho người bệnh. Trong khám chữa bệnh, tránh chỉ định điều trị nội trú trong các trường hợp không cần thiết nhằm giảm gánh nặng phục vụ, giảm chi phí của người bệnh. Thường xuyên lấy ý kiến đóng góp của người bệnh và người nhà người bệnh tại các đơn vị bằng nhiều hình thức: hòm thư góp ý, sổ góp ý, điện thoại đường dây nóng, họp hội đồng người bệnh, phiếu phỏng vấn trực tiếp...
Đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc… tại khoa cấp cứu - hồi sức tích cực và chống độc, bộ phận cấp cứu của các khoa lâm sàng luôn sẵn sàng, đầy đủ theo quy định; tuân thủ quy trình “báo động đỏ” nội viện, ngoại viện; phòng ngừa các sự cố y khoa.
Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế
Khoa gây mê hồi sức bố trí các phòng một chiều theo quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn công tác gây mê – hồi sức. Đảm bảo đủ phòng mổ, mỗi phòng mổ có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hệ thống oxy, khí nén, máy hút chân không, máy mê kèm thở, mornitor, bơm tiêm điện… Bộ phận hồi tỉnh bố trí liền kề với bộ phận phẫu thuật, có đầy đủ giường bệnh, tủ thuốc, trang thiết bị cấp cứu bệnh nhân. Thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại phòng mổ, phòng thủ thuật, giảm thiểu tối đa tỷ lệ nhiễm trùng liên quan đến phẫu thuật, thủ thuật.
Các khoa lâm sàng cần nâng cao năng lực cấp cứu, hoàn thiện đơn vị cấp cứu của khoa; thực hiện tốt những kỹ thuật thường quy, danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng điều trị. Hỗ trợ người bệnh hoàn thiện thủ tục hành chính; hạn chế phải nằm ghép; đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho người bệnh…
Khoa xét nghiệm cần tuân thủ quy định của Bộ Y tế về quản lý chất lượng xét nghiệm, chất lượng phòng xét nghiệm, đảm bảo an toàn sinh học… Phân công rõ cán bộ đảm nhiệm các khâu trong quá trình xét nghiệm và trả kết quả, gắn trách nhiệm cán bộ thực hiện kỹ thuật với chất lượng kết quả xét nghiệm, thực hiện công tác nội kiểm, ngoại kiểm theo quy định.
Phòng điều dưỡng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh, đặc biệt là quy định về giao tiếp, ứng xử; thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt khoa học chuyên đề, chuyên ngành điều dưỡng; đẩy mạnh trao đổi, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều dưỡng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu khoa hoặc tổ kiểm soát nhiễm khuẩn của các đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, góp phần giảm thiểu guy cơ lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho người bệnh, cán bộ y tế.
Khoa hoặc tổ dinh dưỡng của các bệnh viện áp dụng những biện pháp nhằm tăng tỷ lệ người bệnh ngoại trú được sàng lọc yếu tố nguy cơ dinh dưỡng, tư vấn, chỉ định chế độ dinh dưỡng; người bệnh nội trú được khám, chẩn đoán, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chỉ định điều trị và theo dõi tình trạng dinh dưỡng. Tổ chức các buổi tư vấn, truyền thông về dinh dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện.
Từng đơn vị rà soát, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị. Đảm bảo cung ứng và sử dụng thuốc, vật tư tiêu hao đầy đủ, kịp thời, chất lượng, không để người bệnh điều trị nội trú bảo hiểm y tế phải mua thuốc ngoài.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các chuyên khoa đầu ngành chủ động xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới chuyên khoa mũi nhọn tại các tuyến, phát triển những kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm bệnh viện trung ương và bệnh viện nước ngoài. Tăng cường sự hỗ trợ, hợp tác chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện nước ngoài. Hoàn thiện mạng lưới chỉ đạo tuyến để chỉ đạo tuyến, giao ban, hội chẩn, chuyển giao kỹ thuật, giám sát chéo và tăng cường tương tác giữa các đơn vị. Kịp thời cập nhật quy trình mới, xây dựng quy trình chuẩn thống nhất cho hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn theo từng chuyên khoa…
Nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/ha-noi-nang-cao-chi-so-hai-long-cua-nguoi-dan-doi-voi-chat-luong-dich-vu-kham-chua-benh-13754.html
{comment}