Ung thư phổi và những điều cần biết

Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân “đứng top” gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tỉ lệ mắc ung thư phổi ngày càng tăng ở nữ giới do phong trào hút thuốc ở nữ giới gia tăng.

Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi (tiếng Anh là Lung Cancer) là loại ung thư khởi phát từ phổi hay còn được gọi là khối u ác tính ở đường hô hấp. Bệnh xảy ra khi một khối u ác tính hình thành trong phổi, phát triển nhanh về kích cỡ dẫn tới xâm lấn, chèn ép các cơ quan xung quanh. Hai lá phổi trong lồng ngực có chức năng hấp thụ oxy khi hít vào và thải carbon dioxide (CO2) khi thở ra.

Các bác sĩ chia u phổi (đường hô hấp) ác tính thành hai loại chính dựa trên sự xuất hiện của các tế bào khối u thư dưới kính hiển vi. Đó là:

Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), chiếm 80 – 85% tổng số trường hợp mắc bệnh. Đây là thuật ngữ chung để chỉ một số loại u phổi ác tính, bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy, biểu mô tuyến và biểu mô tế bào lớn.

Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) chiếm khoảng 15 – 20% các trường hợp. Loại này hầu như chỉ xảy ra ở những người nghiện thuốc lá nặng và ít phổ biến hơn so với ung thư không tế bào nhỏ.

Ngoài ra, vẫn có trường hợp có thể xuất hiện các khối u phổi lành tính. U lành có về cơ bản có sự khác biệt rất lớn với u ác tính (tế bào ung thư). Tuy nhiên, để có thể xác định chính xác tính chất của khối u, vẫn cần có các phương pháp chẩn đoán khoa học và chính xác từ các bác sĩ, chuyên gia y tế.

Ung thư phổi và những điều bạn cần biết
Ung thư phổi được xếp vào danh sách những bệnh lý ác tính nguy hiểm hàng đầu trên thế giới do diễn tiến bệnh nhanh và tỷ lệ tử vong cao. 

Các giai đoạn của bệnh ung thư phổi

Giáo sư Ngô Quý Châu cho biết, ung thư không tế bào nhỏ được chia thành 4 giai đoạn, tượng trưng cho mức độ di căn của các tế bào u ác tính. Việc chẩn đoán chính xác bệnh đang ở giai đoạn nào sẽ giúp bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp. Vì bệnh không gây ra các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu, nên bệnh thường chỉ được chẩn đoán khi các tế bào khối u đã lan rộng.

Bốn giai đoạn của ung thư phổi không tế bào nhỏ gồm:

Giai đoạn 1: Tế bào ung thư được tìm thấy trong phổi, nhưng chúng chưa lan ra ngoài phạm vi này;

Giai đoạn 2: Tế bào xuất hiện ở phổi và các hạch bạch huyết lân cận;

Giai đoạn 3: Tế bào được tìm thấy trong phổi và các hạch bạch huyết ở giữa ngực:

Giai đoạn 3A: Tế bào ung thư có trong các hạch bạch huyết, nhưng chỉ ở cùng bên ngực nơi những tế bào ác tính đầu tiên xuất hiện;

Giai đoạn 3B: Ung thư lan sang các hạch bạch huyết ở bên ngực đối diện, hoặc đến các hạch bạch huyết trên xương đòn.

Giai đoạn 4: Ung thư giai đoạn cuối lan rộng cả hai phổi, sang khu vực xung quanh vị trí này hoặc đến các cơ quan ở xa.

Trong khi đó, ung thư phổi tế bào nhỏ có 2 giai đoạn chính:

Giai đoạn hạn chế: Tế bào ung thư chỉ xuất hiện ở một bên phổi hoặc các hạch bạch huyết lân cận ở cùng bên ngực.

Giai đoạn mở rộng: Các khối u ác tính đã lan rộng

Khắp một lá phổi;

Đến phổi đối diện;

Đến các hạch bạch huyết ở phía đối diện;

Lan ra chất lỏng xung quanh phổi;

Đến tủy xương;

Đến các cơ quan ở xa.

Thống kê cho thấy tại thời điểm chẩn đoán, 2 trong số 3 người mắc ung thư tế bào nhỏ đã ở giai đoạn mở rộng.

Thuốc lá được biết đến là nguyên nhân gây ra 80-90% các trường hợp ung thư phổi

Các dấu hiệu ung thư phổi thường gặp

Về cơ bản, các triệu chứng của 2 loại u phổi ác tính này là tương tự nhau. Những biểu hiện ban đầu có thể nhận thấy thường là:

Ho kéo dài;

Ho có đờm hoặc máu;

Đau ngực trầm trọng hơn khi thở sâu, cười hoặc ho;

Khàn tiếng;

Hụt hơi;

Thở khò khè;

Suy nhược và mệt mỏi;

Chán ăn dẫn đến sụt cân.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh cũng có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát như viêm phổi hoặc viêm phế quản kèm theo. Khi khối u lan rộng, một loạt triệu chứng khác sẽ xuất hiện, phụ thuộc vào vị trí khối u mới hình thành. Cụ thể, nếu khối u xuất hiện ở:

Hạch bạch huyết: người bệnh có hiện tượng nổi u, đặc biệt ở cổ hoặc xương đòn;

Xương: người bệnh cảm thấy đau xương, nhất là ở lưng, xương sườn hoặc hông;

Não hoặc cột sống: triệu chứng có thể là nhức đầu, chóng mặt, dễ mất thăng bằng hoặc tê tay/chân’

Thực quản: gây khó nuốt;

Gan: người bệnh bị vàng da và mắt.

Các khối u xuất hiện trên đỉnh phổi có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở mặt, dẫn đến tình trạng sụp mí mắt, đồng tử nhỏ, không đổ mồ hôi ở một bên mặt, đau nhức vai. Những triệu chứng này được gọi là hội chứng Horner. Nếu khối u đè lên tĩnh mạch lớn làm nhiệm vụ vận chuyển máu giữa đầu, cánh tay và tim sẽ dẫn đến tình trạng sưng mặt, cổ, ngực trên và cánh tay.

Ngoài ra, đôi lúc tế bào ung thư phổi còn khiến cơ thể tạo ra một chất tương tự như hormone, gây nên một loạt triệu chứng gọi là hội chứng paraneoplastic, bao gồm:

Yếu cơ;

Buồn nôn và nôn;

Giữ nước trong cơ thể;

Huyết áp cao;

Đường huyết cao;

Lú lẫn;

Co giật;

Hôn mê.

Tại nước ta, ung thư phổi đã và đang trở thành một gánh nặng cho toàn xã hội

Nguyên nhân gây ung thư phổi

 

 

Thuốc lá

Khói thuốc lá, xì gà, thuốc lào làm hỏng các lớp lót bên trong phổi. Mặc dù cơ thể có cơ chế tự phục hồi, nhưng khi tiếp xúc liên tục với khói thuốc, chúng dần dần không có khả năng sửa chữa nữa.

Ung thư phổi có thể xảy ra với cả người hút thuốc lá và người hút thuốc lá thụ động. Theo WebMD, những người không hút thuốc lá sống chung với một người hút thuốc có nguy cơ ung thư phổi tăng 24%. Trong khi đó, một người hút một bao thuốc lá mỗi ngày sẽ có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 25 lần so với người không hút thuốc.

Trên thực tế, có 10-20% người bị ung thư phổi chưa bao giờ hút thuốc. Ngoài nguyên nhân khói thuốc thụ động thì một số nguyên nhân khác dưới đây cũng có thể dẫn đến ung thư phổi.

Bức xạ

Bom nguyên tử, xạ trị, chẩn đoán hình ảnh và radon là những nguồn phơi nhiễm bức xạ:

- Bức xạ bom nguyên tử: Bị nhiễm phóng xạ sau vụ nổ bom nguyên tử làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

- Xạ trị: Xạ trị vùng ngực được sử dụng để điều trị một số bệnh ung thư như ung thư vú và ung thư Hodgkin. Xạ trị sử dụng tia X, tia gamma hoặc các loại bức xạ khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Nguy cơ này cao hơn nếu người đó cũng hút thuốc lá.

- Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Ví dụ như khi chụp CT bệnh nhân sẽ tiếp xúc với bức xạ, mặc dù lượng bức xạ này rất nhỏ, không được xem là nguy hại nhưng nguy cơ tăng lên cùng số lần chụp trong suốt cuộc đời.

- Radon: Radon là một loại khí phóng xạ sinh ra từ sự phân hủy uranium trong đá và đất. Radon phổ biến trong mặt đất, có thể xâm nhập vào tòa nhà qua các vết nứt trên sàn nhà, tường hoặc nền móng. Radon khiến các tế bào phổi tiếp xúc với hạt phóng xạ gây tổn thương DNA và có thể phát triển thành ung thư phổi. Tỷ lệ phơi nhiễm radon cao hơn ở những người làm việc dưới lòng đất hoặc sinh sống trong tầng hầm.

Môi trường làm việc

Môi trường làm việc đóng một vai trò đáng kể đối với sức khỏe, bao gồm các vấn đề về tim, phổi và các cơ quan khác. Môi trường làm việc tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại có thể gây ra các tổn thương cho phổi như: sẹo hoặc xơ hóa, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc ung thư.

Một số nghề nghiệp có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn những nghề khác là: vệ sinh văn phòng và nhà ở; tạo mẫu tóc; y tá, bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho người bị bệnh phổi; nghề xây dựng tiếp xúc nhiều với amiăng; công nhân nhà máy tiếp xúc nhiều với kim loại trong xưởng đúc, silica hoặc cát mịn; nông dân tiếp xúc với hóa chất nông nghiệp hoặc nấm mốc trong cỏ khô, hoa màu; khai thác than; lính cứu hỏa tiếp xúc trực tiếp với khói bụi; sửa chữa ô tô tiếp xúc với hóa chất như isocyanates, polyurethane; hoặc môi trường làm việc tiếp xúc với các hóa chất khác như diesel, asen, niken, thạch tín, berili, cadmium, crom…

Trong các chất trên thì amiăng là vật liệu dùng để cách nhiệt trong xây dựng. Khi các sợi amiăng đứt ra, chúng có thể bay vào không khí và gây nguy hiểm cho người hít phải. Tiếp xúc với amiăng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Người hút thuốc tiếp xúc với amiăng có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 90 lần người không tiếp xúc.

Ô nhiễm môi trường

Năm 2013, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (IARC) đã công bố rằng ô nhiễm không khí là nguyên nhân môi trường hàng đầu gây tử vong do ung thư. Theo nghiên cứu của cơ quan này thì “Nguy cơ phát triển ung thư phổi tăng lên đáng kể ở những người tiếp xúc với ô nhiễm không khí”.

Hít thở không khí ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm dạng hạt (hỗn hợp các hạt rắn và lỏng nhỏ trong không khí) khá giống với việc hút thuốc lá thụ động.

Ô nhiễm không khí chủ yếu do khói thải từ phương tiện giao thông chạy bằng động cơ diesel hoặc các nhà máy nhiệt điện than, khai thác gỗ, xây dựng.

Tiền sử bệnh phổi

Một số bệnh phổi như bệnh lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản mạn tính, khí phế thủng có thể gây viêm và sẹo ở phổi, làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

Tuổi tác và di truyền

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư phổi chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi. Tuổi càng cao, thời gian tiếp xúc với hóa chất độc hại càng lâu, càng làm tăng nguy cơ ung thư.

Nếu một thành viên trực hệ trong gia đình (bao gồm: bố mẹ, anh chị em ruột, ông bà, anh chị em ruột của bố mẹ) từng bị ung thư phổi, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguyên nhân là một số đột biến gen - hoặc những thay đổi trong DNA - có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Có thể chúng không gây ra ung thư nhưng có vai trò nhất định trong một số trường hợp, ví dụ như làm cho họ nhạy cảm hơn với một số chất gây ung thư.

Một phần giải thích cho nguyên nhân này là khi sống trong cùng một nhà, các thói quen về sinh hoạt, ăn uống của các thành viên sẽ giống nhau. Nhất là khi người thân hút thuốc lá thì bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Hầu hết các trường hợp ung thư phổi do hút thuốc lá, nhưng còn nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể gây ra ung thư phổi. Việc tránh xa các tác nhân gây ung thư, có chế độ ăn uống lành mạnh, thói quen sinh hoạt điều độ và tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về hô hấp. Nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng có các yếu tố nguy cơ trên, hãy khám sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư phổi định kỳ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về phổi và ung thư phổi.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc tầm soát ung thư phổi giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, nhằm điều trị rốt ráo, triệt để hơn

Chẩn đoán ung thư phổi

Ung thư phổi thường được phát hiện đầu tiên bằng chụp X-quang lồng ngực. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể xác định chính xác hơn vị trí của khối u, kích thước và biết được khối u đã phát triển ra ngoài phổi hay chưa. Có thể chẩn đoán bằng cách lấy sinh thiết ở vùng khác thường của phổi. Những mẫu sinh thiết lấy được, được nhuộm và soi dưới kính hiển vi quang học để chẩn đoán xác định.

Điều trị ung thư phổi

Phẫu thuật loại bỏ khối u

Có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân cần có thể trạng tốt để phẫu thuật, có khoảng 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này.

Điều trị tia xạ

Phương pháp này được áp dụng cho khoảng 35% bệnh nhân. Mục đích là phá hủy khối u khi nó còn nhỏ (thường có đường kính 6cm) và không có di căn. Đối với những khối u lớn thì nó làm giảm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này kéo dài đời sống của bệnh nhân nhưng ít khi chữa khỏi bệnh.

Điều trị hóa chất

Đối với loại ung thư tế bào nhỏ, tỉ lệ bệnh thoái giảm khi điều trị bằng hoá chất lên tới 80-90%, còn đối với các loại khác tỉ lệ đáp ứng khoảng 40-50%. Hoá chất thường được sử dụng điều trị hỗ trợ với phẫu thuật và xạ trị khi bệnh ở giai đoạn mổ được. Các trường hợp ở giai đoạn muộn, hoá chất có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống ở bệnh nhân.

Điều trị hỗ trợ

Áp dụng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn không điều trị được bằng các phương pháp kể trên, bao gồm chăm sóc bệnh nhân, điều trị triệu chứng và làm giảm đau.

Phòng bệnh ung thư phổi

Yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng chống bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá. Cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ cũng giúp cho việc phòng chống ung thư phổi.

Nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/ung-thu-phoi-va-nhung-dieu-can-biet-7266.html