Công dụng và bài thuốc chữa bệnh từ cây lựu
Cây lựu
Cây lựu hay còn có tên gọi khác là cây thạch lựu, an thạch lựu ... có tên khoa học là punica granatum là cây thuộc loại họ thực vật punicaceae. Thuộc họ lythraceae - họ lựu. Cây có nguồn gốc chính từ Ba Tư đến Ấn Độ. Có nguồn gốc bản điạ ở Tây Nam Á, được đem về trồng rộng rãi và phổ biến tại Gruzia, Afghaninistan, Armenia, Azerbaijan, Syria, Tây Nam Kì,..... đặc biệt là ở lục điạ Đông Nam Á và bán đảo Malaysia.
Cây lựu là một loại thân gỗ lâu năm, có thể cao từ 5-8m và thuộc loại tiểu mộc, những thân cây lựu non có màu xám hơi đỏ, nhưng khi cây lựu đã có tuổi thì thân của nó sẽ có màu xám, thân sẽ có một ít gai nhưng không đáng kể, ngoài ra ngọn cành của cây lựu thường biến thành gai. Do cây lựu thuộc giống cây phân cành từ ở gốc cho đến ngọn nên chúng sẽ phát triển theo xu hướng hình thành bụi dày.
Lá của cây lựu là lá nguyên, có màu xanh mượt1 mọc đối xứng như lá của loài cây hoa hồng, cuống lá của cây lựu ngắn nên nhìn vào cây khi nào ta cũng có cảm giác như lá của cây lựu mọc dính vào cây và không có cuống và lá của cây lựu thường mọc theo cành non thành loại cành cây non vươn dài, Hoa của cây lựu cũng là một loài hoa đẹp, hoa của cây lựu có thể mọc và nở đơn độc một mình nhưng cũng có thể mọc và nở thành chùm (cụm) từ 3-4 bông,
Hoa của cây lựu thường mọc ở ngọn cành nên khi quả to, những quả lựu lại kéo những cành cây trũng xuống nên nhìn vào rất đẹp mắt. Cây lựu là cây hoa lưỡng tính và hoa của nó nở vào mùa hè, cây lựu cho hoa màu đỏ tươi hoặc màu trắng.
Quả của cây lựu được coi là một loại quả dễ ăn, trong quả lựu có vách ngăn chứa rất nhiều hạt 5 cạnh, có vỏ hạt căng mọng ( người dân thường gọi là thịt quả) có màu sắc đẹp mắt là màu đỏ hay có sắc hồng trắng (hồng nhạt).
Cây lựu không những được trồng để lấy quả và dược liệu trong Y học cổ truyền mà theo quan điểm phong thủy thì trồng cây lựu trước cửa nhà sẽ mang lại nhiều may mắn và tài lộc, nhất là những ngôi nhà mới cất nên trồng cây lựu làm cảnh rất thích hợp.
Cây lựu là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền với công năng chữa trị bệnh thần kỳ. |
Công dụng cây lựu
Hoa lựu: Trong Y học cổ truyền có tên là thạch lựu. Hoa vị chua sáp, tính bình, có công năng chủ trị các chứng bệnh như tỵ huyết (chảy máu cam), thổ huyết (nôn ra máu), kinh nguyệt không đều, lỵ tật, bạch đới (khí hư), viêm tai giữa, đau răng...
Quả lựu: Theo Y học cổ truyền, có vị chua ngọt, tính ấm; vào 2 kinh vị và đại tràng; có tác dụng sinh tân chỉ khát (làm tăng thủy dịch trong cơ thể và giải khát). Nếu là loại lựu chua, còn có thêm tác dụng sáp trường (làm săn niêm mạc ruột), chỉ huyết (cầm máu), dùng chữa hoạt tả (tiêu chảy), kiết lỵ lâu ngày, băng lậu, khí hư, đới hạ. Loại quả ngọt, ngoài tác dụng sinh tân chỉ khát và chữa kiết lỵ lâu ngày, còn có thêm tác dụng sát trùng, có thể dùng chữa đau bụng do một số loại ký sinh trùng gây nên.
Vỏ quả lựu: Trong Y học cổ truyền có tên là thạch lựu bì, thạch lựu xác, toan thạch lựu bì.
Thạch lựu bì có vị chua chát, tính ấm; vào 2 kinh đại tràng và thận. Công dụng sáp tràng (làm săn se niêm mạc), chỉ tả (cầm tiêu chảy), chỉ huyết (cầm máu), khu trùng (trừ giun sán), chuyên dùng để chữa các chứng bệnh như cửu tả cửu lỵ (lỏng lỵ mạn tính), thoát giang (lòi dom), đới hạ (khí hư), trùng tích phúc thống (đau bụng do giun sán)...
Nhìn chung, các bộ phận của cây lựu, quả, vỏ quả, vỏ rễ, hoa và lá đều có thể sử dụng làm thuốc, nhưng thông dụng nhất là quả và vỏ quả. Tuy nhiên dược liệu lưu ý không dùng cho người bị táo bón.
Hoa lựu có chứa các chất chống oxy hóa làm giảm biến chứng sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường. |
Theo y học hiện đại
Công dụng kháng khuẩn: thạch lựu dược liệu có tác dụng ức chế trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lỵ, phẩy khuẩn tả, tụ cầu vàng, vi khuẩn lao, liên cầu khuẩn, virus cúm và một số loại nấm gây bệnh ở người.
Công dụng chống ký sinh trùng: trong vỏ quả thạch lựu có chứa một hoạt chất có tên là pelletierine có công dụng ức chế giun móc.
Tác dụng ức chế tế bào ung thư: những thành phần chống oxy hóa trong quả thạch lựu có tác dụng ức chế quá trình tăng trưởng của các tế bào ung thư.
Tác dụng đối với tim mạch: nước ép từ quả thạch lựu có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol và tăng cường lưu lượng tuần hoàn máu trong động mạch vành. Do vậy, quả thạch lựu có tiềm năng sử dụng để phòng ngừa và điều trị chứng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim.
Tác dụng đối với da: tannin trong thạch lựu có tác dụng làm săn da và sát trùng kháng khuẩn mạnh.
Độc tính: sử dụng alkaloid trong thạch lựu với liều lượng cao liên tục có thể gây chứng ngưng thở và trong thực nghiệm có thể làm chết súc vật. Nếu sử dụng liều thấp hơn có thể gây mệt mỏi, cảm giác châm chích, chóng mặt, đau đầu, giật đùi, và rối loạn thị giác,... Bên cạnh đó, sử dụng liều cao có thể gây tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ, đau đầu, nôn mửa và giãn đồng tử.
Tác dụng chống viêm mạn tính: thạch lựu là một trong những loại trái cây có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào. Theo một số nghiên cứu khoa học cho thấy thạch lựu có tác dụng ngăn ngừa hiện tượng viêm mãn tính, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, ung thư, Alzheimer,...
Tác dụng phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt: những chiết xuất từ quả thạch lựu có tác dụng làm chậm và tiêu diệt các tế bào ung thư tiền liệt tuyến.
Tác dụng hạ huyết áp: sử dụng nước ép thạch lựu thường xuyên có thể giúp ổn định huyết áp và hạ huyết áp đáng kể.
Hỗ trợ điều trị viêm khớp: những hợp chất chống oxy có trong quả thạch lựu ví dụ như quercetin, acid punic, punicalagins có thể kiểm soát được hiện tượng viêm ở khớp và hạn chế những triệu chứng đau nhức.
Hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương: thạch lựu có tác dụng hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương do giảm lưu lượng máu. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, quả thạch lựu có thể làm giãn mạch và thúc đẩy tuần hoàn máu tới dương vật.
Tác dụng chống nấm: hợp chất thực vật trong quả thạch lựu có tác dụng chống lại các hoạt động của một loại vi nấm gây nhiễm trùng âm đạo, da hoặc dạ dày đó là nấm candida albicans.
Cây thạch lựu được sơ chế dùng trong một số bài thuốc Y học cổ Truyền. |
Bài thuốc từ cây lựu
Chữa nổi mày đay, mẩn ngứa do nhiệt: Vỏ quả lựu tươi, ké đầu ngựa, bèo cái, bồ công anh, thổ phục linh, hà thủ ô, mỗi loại 12g xác ve sầu, mã đề, cam thảo đất, mỗi thứ 8g. Cho tất cả vào nồi ngâm với 750ml nước trong 15 phút, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Mỗi liệu trình 3-5 ngày.
Chữa viêm tiền liệt tuyến: Hoa lựu tươi 30g nấu canh với thịt lợn ăn hàng ngày.
Trị ho do nhiễm lạnh: Hoa lựu trắng tươi 24 bông, đường phèn 15g. Cho tất cả vào nồi ngâm với 500ml nước trong 15 phút, sắc còn 150ml, chia 2 lần uống trước khi đi ngủ. Mỗi liệu trình 7-10 ngày
Tẩy giun kim, giun đũa, giun tóc: Vỏ quả lựu 15g; binh lang (hạt cau già) 10g. Sắc 3 lần rồi cô lại còn 100ml, thêm đường đủ ngọt (20g). Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ (sau khi ăn 3 giờ), liên tục trong 3 ngày.
Chữa chảy máu cam: Hoa lựu 6g, rửa sạch cho 250ml nước, sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày. Mỗi liệu trình 5-7 ngày.
Chữa miệng hôi, viêm amiđan: Quả lựu sắc lấy nước đặc, ngậm và nuốt từ từ, nhiều lần trong ngày.
Chữa bỏng nhẹ: Thạch lựu hoa hoặc thạch lựu bì, lượng vừa đủ, sấy khô tán bột, trộn với dầu vừng bôi vào nơi tổn thương.
Chữa kiết lỵ lâu ngày, đại tiện ra máu: Quả lựu tươi 1-2 quả, để cả vỏ, đập nhỏ, sắc nước uống nhiều lần, uống trong ngày.
Hoặc: Quả lựu nướng khô, nghiền bột mịn, bảo quản nơi khô ráo; ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g, chiêu thuốc bằng nước cơm hoặc cháo loãng.
Hỗ trợ chức năng tiêu hóa, trị tiêu chảy: Quả lựu tươi 2 trái, bóc bỏ vỏ sắc với 500ml nước, đun nhỏ lửa cho cạn còn 150ml, thêm mật ong vừa đủ. Chia ra 2-3 lần uống trong ngày.
Chữa tiểu són, tiểu rắt, tiểu không tự chủ: Quả lựu sao tồn tính (bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn giữ nguyên chất), tán bột; ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 6g, hòa với nước ấm.
Chữa loét miệng, nhiệt miệng: Quả lựu sao tồn tính (bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn giữ nguyên chất), tán thành bột mịn, bôi vào nơi tổn thương.
Chữa thoát giang (sa trực tràng): Thạch lựu bì, thiên căn, mỗi vị 10g, sắc uống trong ngày.
Thuốc dùng ngoài: Thạch lựu hoa hoặc thạch lựu bì 30g, phèn chua một chút, sắc kỹ rồi cho thêm một ít bột ngũ bội tử sao, ngâm hậu môn hàng ngày.
Trị tiêu chảy: Thạch lựu bì 5g, sơn tra 10g. 2 vị nghiền bột mịn, chia thành 2 phần uống với nước ấm. Có thể thêm đường cho dễ uống.
Hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận: Rễ lựu 30g, kim tiền thảo 30g, sắc nước uống trong ngày.
Trị viêm nhiễm ngoài da lở loét chảy mủ: Lá lựu, sấy khô, nghiền thành bột mịn, rắc vào nơi tổn thương.
Chữa phế ung (áp-xe phổi): Thạch lựu hoa 6g, ngưu tất 6g, nhẫn đông đằng 15g, bách bộ 9g, bạch cập 30g, đường phèn 30g, sắc nước uống.
Vỏ rễ của cây thạch lựu có tính độc nên cần phải thận trọng khi sử dụng. |
Lưu ý khi sử dụng cây lựu
Một số lưu ý khi sử dụng thạch lựu trong điều trị bệnh bao gồm:
Không sử dụng rễ lựu cho những người thực tà, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai hay người có sức khỏe yếu.
Vỏ rễ thạch lựu có tính độc nên tránh sử dụng cho những người có vấn đề về dạ dày.
Tránh sử dụng củ cải trong thời gian dùng các bài thuốc từ thạch lựu để điều trị bệnh.
Không dùng đồng thời các vị thuốc điều trị tăng huyết áp với thạch lựu dược liệu, nếu có ý định sử dụng thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Y học cổ truyền.
Không sử dụng độc vị thạch lựu bì cho những trường hợp mắc lỵ mới phát.
Thạch lựu là một vị thuốc quý có nhiều công dụng hữu ích trong quá trình điều trị các bệnh lý thường gặp. Tuy nhiên, trong vỏ rễ và vỏ thân của thạch lựu có tính độc do vậy trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc nào cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Y học cổ truyền để được tự vấn và có biện pháp can thiệp kịp thời. Ngoài ra, khi có dấu hiệu bị ngộ độc thì cần tới ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.
Nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/cong-dung-va-bai-thuoc-chua-benh-tu-cay-luu-7839.html
{comment}