6 quan niệm sai lầm về tác dụng phụ của đậu nành

Đậu nành là thực phẩm quen thuộc trong chế độ ăn uống của nhiều gia đình. Nhưng bạn đã thực sự hiểu hết về tác động dinh dưỡng của loại thực phẩm này? Dưới đây là 6 quan niệm sai lầm về tác dụng phụ của đậu nành.

Lầm tưởng 1: Đậu nành gây vô sinh

Nhiều người truyền tai nhau rằng ăn nhiều đậu nành có thể gây rối loạn chức năng buồng trứng của phụ nữ và là nguy cơ gây vô sinh. Thực tế, các nghiên cứu trong những năm gần đây đã làm sáng tỏ mối quan hệ mật thiết giữa khả năng sinh sản và việc ăn đậu nành. Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc ăn đậu nành phá vỡ sự cân bằng của hormone sinh sản nữ hoặc làm tăng nguy cơ vô sinh. Nghiên cứu cho thấy ăn từ 6-40g đậu nành mỗi ngày thực sự đem lại thuận lợi cho việc có thai và mang thai.

Lầm tưởng 2: Đậu nành không phải là một loại protein chất lượng cao

Đậu nành là nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh dễ dàng có nguồn gốc thực vật.

Protein chất lượng cao (protein hoàn chỉnh) là protein chứa 9 loại acid amin thiết yếu (EAA- Essential Amino Acid) mà cơ thể chúng ta không thể tự sản sinh. Nhiều người không đánh giá cao protein từ đậu nành mà chủ yếu bổ sung protein từ các thực phẩm thịt gia cầm, trứng. Thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, đậu nành là một trong số ít protein thực vật có chứa tất cả 9 EAA. Các acid amin này rất quan trọng để tái tạo, ngăn ngừa mất cơ, hấp thụ và vận chuyển các chất dinh dưỡng.

Lầm tưởng 3: Ăn đậu nành có nguy cơ ung thư vú

Có người cho rằng ăn nhiều đậu nành có thể mắc ung thư vú. Nhưng các nghiên cứu dịch tễ học đã theo dõi những phụ nữ ăn đậu nành theo thời gian không cho thấy nguy cơ ung thư vú tăng lên. Thậm chí, một số nghiên cứu còn cho thấy có ít nguy cơ ung thư vú hơn ở những người ăn nhiều đậu nành hơn.

Chẳng hạn trong một nghiên cứu được công bố năm 2020 trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu (The European Journal of Epidemiology) khi theo dõi hơn 300.000 phụ nữ cho thấy: Cứ thêm 10g đậu nành vào thực đơn mỗi ngày, nguy cơ ung thư vú của họ giảm 3%.

Lầm tưởng 4: Đậu nành gây sa sút trí tuệ

Tuy những nghiên cứu về tác động tiềm ẩn của đậu nành đối với sa sút trí tuệ vẫn còn khá mới. Nhưng trên thực tế, không có mối liên hệ nào được chứng minh giữa việc ăn đậu nành và nguy cơ suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ. Một bài báo đăng trên tạp chí Translational Research & Clinical Interventions năm 2020 có lưu ý rằng ăn nhiều đậu nành có thể bảo vệ não bộ chống lại chứng sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều nghiên cứu tiếp tục để làm sáng tỏ vai trò của đậu nành với não bộ.

Lầm tưởng 5: Đậu nành khiến nam giới trở nên nữ tính hoá

 

Đậu nành là nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh dễ dàng có nguồn gốc thực vật.

Có người cho rằng nam giới không nên ăn nhiều đậu phụ bởi lượng estrogen thực vật có trong thực phẩm này có thể làm đảo lộn sự cân bằng nội tiết tố của nam giới, khiến nam giới có bộ ngực lớn hơn, loạn trương lực cơ hoặc rối loạn cương dương.

Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy ăn, uống đậu nành không ảnh hưởng đến mức hormone testosterone hoặc sản xuất tinh dịch ở nam giới. Điển hình, một bài đánh giá được công bố trên Tạp chí Reproduction Toxicology năm 2021 đã xem xét 38 nghiên cứu cho thấy đậu nành không ảnh hưởng đến mức hormone testosterone và hormone estrone ở nam giới. Vì vậy, bạn nên ngừng tin tưởng rằng đậu nành làm thay đổi vẻ ngoài nam tính hoặc giảm sức mạnh thể chất ở nam giới.

Lầm tưởng 6: Đậu nành nguy hiểm cho trẻ

Nhiều người lo ngại chất dinh dưỡng isoflavone trong sữa đậu nành công thức có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh và về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Thực chất, chưa có nghiên cứu kết luận về tác động tiềm ẩn của sữa đậu nành công thức đối với sự phát triển của trẻ.

Ngoài ra, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng: Trẻ sơ sinh nên dùng sữa đậu nành công thức nếu:

- Trẻ bị rối loạn di truyền galactosemia (GALT - là bệnh lý di truyền lặn, gây ra rối loạn chuyển hóa đường đơn galactose, khiến trẻ không chuyển hóa được đường này thành năng lượng sử dụng mà tích tụ trong máu).

- Trẻ thiếu hụt men lactase bẩm sinh (ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa sữa bò của trẻ).

- Hoặc cha mẹ muốn cho trẻ uống sữa công thức có nguồn gốc từ thực vật vì lý do đạo đức hay môi trường.

Nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/6-quan-niem-sai-lam-ve-tac-dung-phu-cua-dau-nanh-12597.html