Sử dụng các hoạt chất, dược liệu hỗ trợ phòng ngừa ung thư

Ngày 14/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Các hoạt chất, dược liệu hỗ trợ phòng ngừa ung thư, giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị và tăng cường miễn dịch".

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu cập nhật những thông tin mới nhất về ứng dụng công nghệ sinh học để sử dụng các hoạt chất, dược liệu trong tăng cường miễn dịch, hỗ trợ chống ô xy hóa, chống gốc tự do, phòng ngừa ung thư, hỗ trợ hồi phục sức khỏe để giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị trong điều trị ung thư.

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, căng thẳng trong cuộc sống, thói quen hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý cùng với những yếu tố môi trường như ô nhiễm, thực phẩm bẩn… đã làm tăng nguy cơ thiếu hụt vi chất, tăng các gốc tự do… dẫn đến "cơn thủy triều" các bệnh mạn tính không lây, trong đó có ung thư.

Theo báo cáo toàn cầu về ung thư năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, Việt Nam ước tính có khoảng 165.000 ca mắc ung thư và 115.000 ca tử vong do ung thư. Số ca mắc và tử vong vẫn có xu hướng tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Sử dụng các hoạt chất, dược liệu hỗ trợ phòng ngừa ung thư

Theo dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng, Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới đã nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế, trong đó có thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược.

Đây cũng là xu hướng tất yếu của ngành thực phẩm chức năng trong nhiều năm qua nhằm tìm ra các hoạt chất, dược liệu quý ứng dụng vào các sản phẩm để chăm sóc sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng cũng chia sẻ, dù là ngành kinh tế nhiều tiềm năng với giá trị khoảng 13 tỷ USD/năm (gần gấp đôi ngành dược với 7 tỷ USD/năm) song hiện nay các chính sách liên quan tới việc phát triển ngành thực phẩm chức năng vẫn chưa được coi trọng. Bên cạnh đó, dù có cơ chế hỗ trợ song các quỹ đổi mới sáng tạo vẫn chưa cụ thể hóa được việc cho vay ra sao, ưu đãi thế nào với cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, đây là một ngành kinh tế nên cần có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, cần được đào tạo bài bản tại các nhà trường, tránh để tình trạng doanh nghiệp tự "bơi" như hiện nay.

Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định vai trò quan trọng của các dược liệu, hoạt chất sinh học trong việc tăng cường miễn dịch, hỗ trợ chống ô xy hóa, chống gốc tự do, phòng ngừa ung thư, hỗ trợ hồi phục sức khỏe để giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị trong điều trị ung thư. Một số dược liệu, hoạt chất sinh học tiêu biểu có thể kể đến là Lunasin Fucoidan, nấm ngưu chương chi, DeltaImmune…

Đồng thời, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện doanh nghiệp đã thảo luận và giải đáp nhiều thắc mắc của người tham gia hội thảo để làm rõ hơn về những căn cứ khoa học, cơ chế tác dụng và đặc biệt là việc ứng dụng, sử dụng các dược liệu, hoạt chất sinh học này vào trong thực tế phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Đồng thời nhấn mạnh vai trò của công nghệ sinh học trong việc nghiên cứu, chế tạo, phát triển sản phẩm để đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế. Một trong những định hướng là nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gene, sản xuất nguyên liệu và các thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược.

Nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/su-dung-cac-hoat-chat-duoc-lieu-ho-tro-phong-ngua-ung-thu-7953.html