Nổ gai - Dược liệu cổ truyền có tác dụng thanh nhiệt, giải độc
Nổ gai
Cây nổ gai là 1 giống cây bụi, thân nhỏ, có chiều cao khoảng từ 2 đến 3 mét. Thân tròn, phân ra nhiều cành, mỗi cành lại đâm ra nhiều nhánh nhỏ. Lớp vỏ cây bên ngoài có màu nâu sậm, có các nốt trắng nổi rõ, xù xì.
Lá cây bỏng, mọc ra từ các cành con, hầu hết có hình bầu dục, đầu lá tù và có lá nhỏ hơn hình tam giác. Lá non có màu xanh nhạt nhưng khi già đi sẽ chuyển sang màu đậm hơn do quá trình quang hợp.
Hoa cây nổ gai thường ra vào tháng 6 đến tháng 8. Hoa thuộc dạng đơn tính vì có cây cái và cây đực riêng biệt. Hoa thường chỉ mọc riêng rẽ một hoặc nếu gộp lại cũng chỉ tối đa từ 2 - 3 mỗi chùm. Tuy nhiên, ở mỗi bông hoa lại phát triển thành từng cụm với nhiều cánh hoa kết hợp.
Quả nổ gai thường ra vào tháng 9 đến tháng 11, thuộc dạng nang, hình tròn, nhỏ màu trắng đục, hơi lõm phía dưới cuống. Mỗi quả được ghép từ 3 mảnh vỏ, lúc chín có thể hái ăn được. Trong quả chứa hạt màu nâu có 3 cạnh.
Cây nổ gai phân bố ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoàn ở các ven bìa rừng khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Bộ phận sử dụng: có thể sử dụng nhiều bộ phận trên cây nổ gai để làm thuốc, bao gồm lá, cành, vỏ thân cây và rễ.
Cách thu hái và sơ chế:
Phần rễ cây thường có giá trị dược liệu tốt nhất vào mùa thu nên chủ yếu được thu hoạch vào mùa này. Các bộ phận khác còn lại có thể được thu hoạch quanh năm.
Cây có thể đào được cả gốc, rễ, cành, lá và tách lấy vỏ thân cây. Các bộ phận dược liệu sau đó được phân loại, đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Lá cây có thể để nguyên rồi đem phơi.
Nổ gai có tác dụng khu phong, trừ thấp, thanh nhiệt, giải độc, chỉ huyết, giảm đau, giảm ngứa
Công dụng nổ gai
Theo y học cổ truyền
Theo đông y, lá và toàn cây nổ có vị đắng, hơi chát, tính mát, ít độc. Cành lá có tác dụng thu liễm, thanh nhiệt, khư phong, trừ thấp, giải độc, chỉ huyết, giảm ngứa, giảm đau. Rễ thanh nhiệt, có tác dụng chỉ thống, sát trùng. Vỏ cây chát, có độc, cũng có tác dụng thu liễm.
Theo y học hiện đại
Thành phần hóa học của cây:
Cây nổ gai có chứa các thành phần chính bao gồm: Norsecurin, Saponin, Tannin, Virosin, Phyllanthin, Securiotinin, Flueggea ... nhờ có các thành phầm trên mà cây nổ gai có các tác dụng:
Tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa: Các thành phần Ethanol và Chloroform được chiết xuất từ cây thuốc thể hiện rõ đặc tính kháng khuẩn. Nó cũng giúp ức chế sự tăng trưởng của các gốc tự do, giảm thiệt hại cho các tế bào khỏe mạnh, từ đó ngăn ngừa bệnh tật trong cơ thể.
Kháng nấm: Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy chất Methanol được chiết xuất từ rễ cây có thể chống lại hoạt động của một số loại nấm, đặc biệt là nấm Candida albicans, nấm Trichytum mentagrophytes
Đối với người bị sốt rét: Chiết xuất từ lá cây giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh sốt rét và ức chế hoạt động của ký sinh trùng Plasmodium falciparumin gây bệnh sốt rét ở người.
Đối với hệ tim mạch: Thử nghiệm chiết xuất Bergenin từ cây thuốc nổ gai trên chuột ghi nhận khả năng ổn định nhịp tim của dược liệu. Bergenin cũng có tác dụng làm giảm lipit trong máu, ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch ở những con chuột thực nghiệm mắc chứng tăng lipit máu. Ngoài ra, sử dụng chiết xuất từ vỏ cây cho chó, các nhà nghiên cứu còn ghi nhận được tình trạng giảm huyết áp động mạch ở loại vật này.
Đối với hệ tiêu hóa: Hoạt chất Bergenin được thử nghiệm trên chuột lang giúp bảo vệ niêm mạc dày dày, chống loét bao tử.
Cây nổ gai có quả nang, hình cầu, màu trắng
Bài thuốc chữa bệnh từ nổ gai
Điều trị bệnh sốt rét, run rẩy các chi: Lấy 6 – 12g dược liệu đem sắc với 600ml nước. Đun thuốc trên lửa nhỏ và canh cho đến khi cạn còn 300ml nước sắc thì tắt bếp. Chia thuốc làm 3 lần dùng trong ngày.
Điều trị bệnh viêm da, mụn bọc, mụn mủ vàng: Lấy cành và lá liều lượng đủ dùng giã đắp trực tiếp lên khu vực bị viêm da hoặc nơi có mụn mỗi ngày 1 lần. Chú ý rửa sạch và lau khô vết thương trước khi đắp thuốc.
Điều trị bệnh gai cột sống: Dùng thân cây nổ gai rửa sạch, thái thật mỏng. Cho dược liệu vào chảo sao vàng, hạ thổ. Mỗi ngày lấy 15g sắc với 1 lít nước trong 30 phút. Gạn uống làm 2 – 3 lần trong ngày.
Dược liệu khô từ cây thuốc nổ gai
Lưu ý khi sử dụng nổ gai
Khi sử dụng cây nổ gai làm thuốc điều trị, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
Vì các hoạt chất Alcaloid, Securinin ở trong thân và rễ cây đều là các thành phần có độc tính khá cao, nó có thể gây ra tình trạng ngộ độc nếu sử dụng thuốc tùy tiện và sử dụng không đúng cách. Chính vì vậy, để đảm bảo được an toàn nên người dùng chỉ nên sử dụng khi có sự cho phép của thầy thuốc.
Trong suốt quá trình điều trị bằng nổ gai, người bệnh nên đi khám định kỳ để có thể đánh giá được hiệu quả của thuốc và tình hình tiến triển sức khỏe của bản thân.
Những người bị dị ứng và quá mẫn cảm với các thành phần của cây nổ gai thì không được sử dụng.
Nếu sau khi sử dụng thuốc nổ gai mà cơ thể có các dấu hiệu bất thường như ói mửa, buồn nôn, phù mạch, phát ban toàn thân, ... thì cần phải ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức và thông báo cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Cần phân biệt rõ cây nổ gai với sâm tanh tách vì chúng có tên gọi gần giống nhau để lựa chọn được đúng dược liều mình cần.
Cây nổ gai với nhiều công dụng, có tác dụng khu phong, trừ thấp, thanh nhiệt, giải độc, chỉ huyết, giảm đau, giảm ngứa. Tuy nhiên vì vị thuốc này có độc tính nên quý độc giả cần tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi dùng để mang lại an toàn và hiệu quả./.
Nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/no-gai-duoc-lieu-co-truyen-co-tac-dung-thanh-nhiet-giai-doc-10381.html
{comment}