Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước “cái bẫy” quảng cáo sản phẩm sức khỏe
Nhưng thực tế, phía sau những lời có cánh ấy đôi khi lại là những hiểm họa khó lường cho sức khỏe – điều không thể đánh đổi bằng bất cứ lợi ích nào.
Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe – Thực trạng đáng lo ngại
Không khó để bắt gặp trên mạng xã hội, truyền hình, YouTube hay các nền tảng thương mại điện tử những đoạn quảng cáo mỹ miều như: "Chữa khỏi thoái hóa sau 7 ngày", "100% thảo dược thiên nhiên, cam kết hoàn tiền nếu không hiệu quả", "Không cần phẫu thuật, không cần uống thuốc Tây"... Những lời lẽ đánh trúng tâm lý người bệnh, đặc biệt là người già – đối tượng thường xuyên đối mặt với các vấn đề bệnh tật.
Một số sản phẩm từng bị cơ quan chức năng “tuýt còi” trong thời gian gần đây, như kẹo rau củ Kera, đều có điểm chung là quảng cáo quá mức so với thực tế, đưa ra những thông tin sai lệch hoặc gây hiểu nhầm về công dụng. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm chưa được cơ quan chuyên môn kiểm chứng đầy đủ, thậm chí có sản phẩm bị phát hiện chứa thành phần không an toàn, nếu sử dụng sai cách hoặc dùng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dùng. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự thiếu minh bạch trong quảng cáo và nguy cơ tiềm ẩn khi người tiêu dùng tin tưởng tuyệt đối vào những lời giới thiệu hấp dẫn.
Cơ quan điều tra bắt tạm giam tiktoker Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs để điều tra về việc quảng cáo và kinh doanh sản phẩm kẹo rau củ Kera
Gần đây nhất, nhiều thông tin phản ánh về sản phẩm Xương khớp HTVN, do Công ty Cổ phần Cung Ứng & Phát Triển Công Nghệ HT Software VN đăng ký công bố sản phẩm. Công ty có địa chỉ đăng ký tại: Tầng 14, tòa nhà Ladeco, 266 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, người đại diện pháp luật là bà Hà Thị Tính.
Những hoạt chất “ẩn danh” và hiểm họa khó lường
Theo nội dung đơn thư và chia sẻ từ một số khách hàng từng sử dụng, sản phẩm Xương khớp HTVN được quảng cáo rầm rộ với các cam kết như: “100% thảo dược thiên nhiên”, “có tem bảo hành chính hãng” và đặc biệt là lời đảm bảo: “nếu phát hiện chất cấm sẽ đền 100 triệu đồng”.
Sản phẩm Xương khớp HTVN và thẻ bảo hành sản phẩm của Công ty Cổ phần Cung Ứng & Phát Triển Công Nghệ HT Software VN
Thực tế, một số người tiêu dùng sau khi sử dụng sản phẩm đã gặp phải các biểu hiện bất thường về sức khỏe. Nghi ngờ sản phẩm có vấn đề, họ đã chủ động mang mẫu đi xét nghiệm và “tá hỏa” khi phát hiện trong sản phẩm chứa các hoạt chất Betamethasone, Paracetamol, Dexamethasone – thường là những thuốc kê đơn rất mạnh, vốn chỉ được dùng dưới sự chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt của bác sĩ.
Phát hiện Betamethasone, Dexamethasone tại mẫu Bột xương khớp HTVN
Phát hiện Paracetamol, Dexamethasone tại kết quả kiểm nghiệm sản phẩm Xương khớp HTVN dạng viên
Theo các bác sĩ: Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến. Tuy nhiên, nếu dùng kéo dài, dùng quá liều – nhất là với người cao tuổi hoặc người mắc bệnh gan – có thể dẫn tới tổn thương gan nặng, thậm chí gây tử vong. Người tiêu dùng hoàn toàn không biết rằng mình đang “nạp” thuốc mỗi ngày, khiến nguy cơ nhiễm độc gan tăng lên theo thời gian.
Còn Dexamethasone và Betamethasone - thuộc nhóm corticoid, thường chỉ dùng trong điều trị các bệnh viêm nặng hoặc sốc phản vệ. Nếu sử dụng bừa bãi, không kiểm soát, corticoid có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Loãng xương, giòn xương, dễ gãy; Giữ nước, phù nề, tăng huyết áp; Tăng đường huyết, tiểu đường; Suy tuyến thượng thận, suy giảm miễn dịch, dễ nhiễm trùng nặng.
Việc “ngụy trang” các hoạt chất này trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe không chỉ là hành vi lừa dối người tiêu dùng, mà còn tiềm ẩn rủi ro sức khỏe đặc biệt nghiêm trọng cho cộng đồng.
Sở Y tế Thái Bình ra quyết định xử phạt
Ngay sau khi nhận được đơn thư phản ánh, Thanh tra Sở Y tế Thái Bình đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở được nêu trong đơn. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 54 hộp sản phẩm Xương khớp HTVN, được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm VGAS và công ty công bố sản phẩm là Công ty cổ phần Cung ứng & Phát triển Công nghệ HT Software VN.
Kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thái Bình xác định: mẫu sản phẩm không đạt chất lượng, có chứa hoạt chất Dexamethasone và Paracetamol, không được phép có trong thực phẩm.
Trong văn bản trả lời đơn phản ánh, Sở Y tế Thái Bình nêu rõ: “Viện CSSK - Cơ xương khớp HT VN… đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Sản xuất, buôn bán, lưu thông trên thị trường thực phẩm có chứa dược chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm: “Dexamethasone” và “Paracetamol”. Xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 100.000.000 đồng.
Yêu cầu khắc phục: Đình chỉ hoạt động kinh doanh, cung cấp thực phẩm 02 tháng đối với Thực phẩm bảo vệ sức khỏe XƯƠNG KHỚP HTVN….Buộc tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm Xương khớp HTVN có số lô SX 010125, NSX 020125, HSD 010128.
Kiến nghị: Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế xem xét thu hồi giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm của sản phẩm 6856/2024/ĐKSP của Xương khớp HTVN.”
Văn bản của Sở Y tế Thái Bình trả lời đơn thư phản ánh của người dân
Chế tài liệu có đủ sức răn đe?
Dù đã bị Sở Y tế tỉnh Thái Bình xử phạt vì vi phạm trong sản xuất và quảng cáo, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xương Khớp HTVN vẫn tiếp tục xuất hiện trên mạng xã hội, được chào bán công khai với lời lẽ quảng cáo như thách thức pháp luật.
Theo ghi nhận, ngày 3/4/2025, Fanpage facebook có tên “Xương Khớp HTVN” (có đường link: https://www.facebook.com/share/p/16a24bpgA6/) đăng tải hình ảnh sản phẩm cùng thông tin quảng cáo, số điện thoại mua hàng rõ ràng. Bài viết sử dụng các cụm từ mơ hồ về công dụng như “bảo vệ xương khớp”, “hỗ trợ sức khỏe”, gợi cảm giác an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.
Fanpage có tên “Xương Khớp HTVN” đăng tải hình ảnh sản phẩm cùng thông tin quảng cáo, số điện thoại mua hàng dù đã có quyết định thu hồi
Điều đáng nói, đây không phải là bài đăng cũ hay bị sót lọt. Mọi hình ảnh, thời gian, nội dung đều thể hiện sự chủ động và tiếp tục rao bán của cá nhân/tổ chức liên quan – chỉ ít ngày sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt.
Điều này đặt ra câu hỏi lớn: Phải chăng chế tài hiện hành vẫn chưa đủ sức răn đe, khi hành vi vi phạm không hề chấm dứt mà thậm chí còn tái diễn một cách công khai?
Nếu doanh nghiệp đã cam kết thu hồi sản phẩm vi phạm, thì tại sao các đại lý, nhà phân phối vẫn tiếp tục tiêu thụ và quảng cáo công khai? Trách nhiệm thuộc về ai? Doanh nghiệp đã thực sự làm tròn nghĩa vụ thu hồi và thông báo tới toàn hệ thống phân phối chưa? Hay việc xử phạt hành chính hiện nay chỉ mang tính hình thức, không đủ sức ngăn chặn sản phẩm vi phạm tiếp tục “len lỏi” đến tay người tiêu dùng?
Trong bối cảnh các chế phẩm hỗ trợ sức khỏe được người dân tin dùng như một giải pháp bảo vệ bản thân, việc để sản phẩm vi phạm vẫn tiếp tục lưu thông là một dấu hiệu đáng lo ngại về lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát và thực thi pháp luật. Đây không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp, mà còn là lời cảnh tỉnh đối với các cơ quan chức năng trong việc giám sát thực thi sau xử phạt – để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng không bị xem nhẹ.
Có thể bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật hiện hành
Hành vi pha trộn chất Dexamethasone và Paracetamol – vốn là dược chất kê đơn – vào thực phẩm chức năng “Xương khớp HTVN” không chỉ đơn thuần là vi phạm hành chính, mà còn tiềm ẩn dấu hiệu của tội phạm hình sự. Luật sư Ngô Thanh Quảng - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Việc cố tình pha trộn các dược chất bị cấm sử dụng vào thực phẩm chức năng là hành vi có tính chất gian dối và nguy hiểm, bởi người tiêu dùng hoàn toàn không được thông báo về việc họ đang sử dụng thuốc kê đơn một cách thụ động. Nếu chứng minh, xác định được yếu tố ‘cố ý’ và có hậu quả xảy ra đối với sức khỏe người tiêu dùng, thì hành vi đó có thể cấu thành tội phạm và bị sử lý hình sự theo quy định tại Điều 193 và Điều 317 Bộ luật Hình sự….”
Đặc biệt, khi hành vi sử dụng chất cấm trong thực phẩm chức năng có mục đích lừa dối người tiêu dùng nhằm trục lợi, và nếu gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng, thì cá nhân và tổ chức liên quan có thể bị truy tố hình sự. Trong trường hợp có nạn nhân bị tổn hại sức khỏe do sử dụng sản phẩm, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự, kể cả khi chưa có khiếu nại từ phía người tiêu dùng.
Ngoài ra, theo Điều 317 Bộ luật Hình sự, người nào sản xuất hoặc kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng, cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt cho hành vi này cao nhất có thể lên đến 20 năm tù, kèm theo các hình phạt bổ sung như cấm hành nghề, phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.
Theo Thông tư số 10/2021/TT-BYT ngày 30/6/2021 của Bộ Y tế, quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Dexamethasone và Betamethasone đều nằm trong danh mục 80 hoạt chất bị cấm tuyệt đối. Việc phát hiện hoạt chất Dexamethasone trong sản phẩm “Xương khớp HTVN” có thể được xem là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm và dược chất. Trong một số trường hợp tương tự, hành vi này không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể là căn cứ để cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật hiện hành.
Dexamethasone và Betamethasone là hai chất nằm trong danh sách cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Bộ Y tế quy định
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Quyền hoàn trả và bồi thường thiệt hại
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền được bảo vệ khi mua phải sản phẩm không đạt chất lượng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong trường hợp sản phẩm "Xương khớp HTVN" có chứa các chất cấm như Dexamethasone và Paracetamol, Betamethasone người tiêu dùng không chỉ có quyền hoàn trả sản phẩm và nhận lại tiền, mà còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu sản phẩm gây hại cho sức khỏe hoặc làm phát sinh chi phí y tế.
Công ty cung cấp sản phẩm này có nghĩa vụ pháp lý phải thu hồi toàn bộ sản phẩm vi phạm, thông báo công khai đến người tiêu dùng và chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 23 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, nếu sản phẩm gây tổn hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp phải bồi thường toàn bộ chi phí y tế hợp lý, tổn thất về thu nhập, và cả thiệt hại tinh thần nếu có căn cứ xác thực.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp cố tình không thu hồi sản phẩm hoặc che giấu thông tin vi phạm, hành vi này không chỉ là vi phạm hành chính đơn thuần mà còn có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu việc sản xuất, cung cấp hoặc phân phối sản phẩm chứa chất cấm gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, cá nhân và tổ chức vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 20 năm, tù chung thân, hoặc thậm chí tử hình tùy theo mức độ hậu quả. Đồng thời, các cá nhân có liên quan cũng có thể bị cấm hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn nhất định. Đây là chế tài nghiêm khắc nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và an toàn sức khỏe cộng đồng, không khoan nhượng với những hành vi kinh doanh phi đạo đức và coi thường tính mạng con người.
Người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
-
Ngưng sử dụng ngay sản phẩm "Xương khớp HTVN" nếu đang sử dụng, đặc biệt trong trường hợp có các triệu chứng bất thường về huyết áp, tiêu hóa, suy giảm miễn dịch, hoặc tổn thương gan thận.
-
Giữ lại bao bì, hóa đơn mua hàng (nếu có) và các tài liệu liên quan đến sản phẩm.
- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra sức khỏe nếu nghi ngờ sản phẩm đã gây hại.
- Liên hệ với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) qua đường dây nóng hoặc website để gửi phản ánh và yêu cầu hỗ trợ bồi thường.
- Gửi đơn yêu cầu doanh nghiệp hoàn tiền và bồi thường thiệt hại, kèm theo các tài liệu chứng minh: hóa đơn mua hàng, hồ sơ khám chữa bệnh, ảnh sản phẩm...
- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, người tiêu dùng có thể:
- Khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng địa phương.
- Khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng như Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường, Công an kinh tế... sẽ có trách nhiệm điều tra, xử lý hành vi vi phạm, giám sát việc thu hồi và bồi thường của doanh nghiệp. Việc công khai minh bạch thông tin vi phạm, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa người tiêu dùng và cơ quan quản lý, sẽ giúp đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ toàn diện và nghiêm túc.
Luật pháp nghiêm minh và tính nhân văn trong kinh doanh sản phẩm sức khỏe
Trong lĩnh vực y dược và thực phẩm bảo vệ sức khỏe – nơi từng sản phẩm, từng chỉ số thành phần đều có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người – sự minh bạch là điều tối quan trọng. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến hiệu quả sử dụng mà còn mong muốn được đảm bảo về nguồn gốc, quy trình sản xuất và độ an toàn của sản phẩm. Đây không chỉ là mong mỏi chính đáng mà còn là quyền lợi được pháp luật bảo vệ. Việt Nam đã có đầy đủ hành lang pháp lý cần thiết, từ Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho đến những quy định chuyên ngành từ Bộ Y tế về công bố sản phẩm, kiểm nghiệm, ghi nhãn, quảng cáo...
Thế nhưng, pháp luật chỉ là một phần của bức tranh. Điều làm nên niềm tin lâu dài và sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe, chính là đạo đức nghề nghiệp và lòng trắc ẩn. Khi sản phẩm của bạn chạm đến cơ thể và niềm tin của người tiêu dùng, thì sự trung thực, minh bạch và lấy con người làm trung tâm không chỉ là tiêu chuẩn kinh doanh mà còn là cam kết đạo đức. Đó là lý do vì sao nhiều thương hiệu uy tín không ngừng đầu tư vào chất lượng, kiểm soát từng chi tiết nhỏ nhất để có thể đồng hành cùng người tiêu dùng một cách lâu dài và vững chắc.
Trong thực tế, không thiếu những doanh nghiệp lựa chọn con đường ngắn, tìm cách lách luật, hoặc thậm chí cung cấp sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Có thể ban đầu họ thu được lợi nhuận, nhưng sự thiếu tôn trọng người tiêu dùng và xem nhẹ sức khỏe cộng đồng sớm muộn cũng dẫn đến hậu quả – cả về mặt pháp lý lẫn đạo đức xã hội. Bởi niềm tin không phải là thứ dễ có được, và một khi đã mất đi thì không dễ gì lấy lại. Pháp luật có thể chế tài, nhưng chính người tiêu dùng mới là người lựa chọn và định hình sự tồn tại của một thương hiệu.
Do đó, trong hành trình kinh doanh những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, điều quan trọng hơn cả là nuôi dưỡng giá trị nhân văn, lấy con người làm gốc. Một sản phẩm tốt không chỉ là sản phẩm được kiểm định chất lượng mà còn là kết quả của tâm huyết, lương tâm và sự đồng hành trách nhiệm của nhà sản xuất. Chính sự kết hợp hài hòa giữa pháp luật nghiêm minh và tinh thần nhân văn ấy sẽ là nền tảng vững chắc để ngành y dược và chăm sóc sức khỏe phát triển bền vững “vì một cộng đồng khỏe mạnh”.
Nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/nguoi-tieu-dung-can-tinh-tao-truoc-cai-bay-quang-cao-san-pham-suc-khoe-17692.html
{comment}