Cây lá vối còn được biết đến là cây trâm nắp có tên gọi khoa học là Cleistocalyx Operculatus. Cây vối là cây thực vật thân gỗ, có hoa. Chiều cao của cây trung bình là 5m với đường kính vào khoảng 50cm. Có 2 loại cây vối là cây vối nếp với lá nhỏ và cây vối tẻ với lá xanh thẫm, hình thoi.
Vỏ cây màu đen, nhẵn, nứt theo chiều dọc. Cành cây tròn, lá màu xanh, phiến dày và cứng, có hình bầu dục và dần nhọn lại ở đầu lá. Ở dưới lá thường có các chấm đen. Mùi lá thơm dễ chịu, vị lá đắng và khá chát.
Hoa cây vối màu trắng, bắt đầu xuất hiện từ tháng 5-7 hàng năm, thường mọc theo cụm và không có cuống hoa.
Cây vối được trồng nhiều ở vùng trung du Bắc Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng ở Hà Giang, Lào Cai, Bắc Giang, Thanh Hóa, Yên Bái… Cây thường được trồng để lấy lá và hoa để pha trà và đun lấy nước uống.

Cây lá vối và quả vối trong tự nhiên.

Về thành phần, trong lá vối có tinh dầu, alkaloid, vitamin, tanin và các khoáng chất.
Theo Đông y, cây vối vị đắng, chát, tính mát, có ít độc; tác dụng thanh nhiệt giải biểu, sát trùng, chỉ dương, tiêu trệ. Lá vối có tác dụng kiện tỳ. Cây được nhân dân ta sử dụng từ lâu, rất phổ biến. Người ta thường nấu nước để uống giúp vừa hỗ trợ tiêu hóa vừa thơm.
Lá tươi hoặc khô sắc đặc được xem có tính chất sát trùng để rửa những mụn nhọt, lở loét, ghẻ, giúp giảm viêm sưng, nhanh khô, nhanh lành vết thương. 
LỢI ÍCH SỨC KHỎE CỦA LÁ VỐI
Hỗ trợ tiêu hóa
Trong lá vối chứa các hoạt chất có tác dụng kích thích dạ dày tiết dịch, đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng. Uống nước lá vối có thể giúp bệnh nhân ăn ngon miệng hơn và tăng cường quá trình chuyển đổi chất trong hệ tiêu hóa.
Tanin và tinh dầu chứa trong lá có chức năng bảo vệ ruột và đại tràng cũng như kháng khuẩn, giảm đau bụng và ngăn ngừa đi ngoài phân sống.
Điều trị bệnh đái tháo đường
Trong nụ hoa cây vối có chất flavonoid giúp đường huyết ổn định và còn hỗ trợ giảm mỡ máu. Sử dụng lá vối giúp cơ thể phòng ngừa bệnh đái tháo đường.

Điều trị bệnh gout
Bệnh gout để lại nhiều khó chịu cho người bệnh do tình trạng viêm khớp kéo dài. Nhiều người sử dụng lá và nụ của cây vối để thúc đẩy thải độc và lợi tiểu, giúp quá trình đào thải axit uric diễn ra nhanh hơn. Chính vì vậy mà sử dụng cây vối có khả năng ngăn ngừa bệnh gout phát sinh trở lại.
Giảm mỡ máu
Trong lá vối chứa beta-sitosterol, vitamin và khoáng chất có công dụng đẩy mạnh quá trình giảm mỡ máu và kích thích chuyển hóa cholesterol hiệu quả.
Điều trị bệnh ngứa, lở loét
Lá vối bên cạnh giúp ổn định đường huyết ra thì còn chứa các hoạt chất kháng viêm và sát khuẩn. Sử dụng nước lá vối để hạ nhiệt, tránh mụn nhọt do thân nhiệt cũng đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, các chất này còn có tác dụng trị lở ngứa, nấm, chốc đầu, hỗ trợ tái tạo làn da và ngăn ngừa các vi khuẩn phát triển trở lại.

 Lá vối hỗ trợ điều trị đái tháo đường và bệnh gout.

MỘT SỐ BÀI THUỐC TỪ LÁ VỐI
Chữa đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu
Sử dụng khoảng 6 đến 12g thân cây vối hoặc 10g nụ vối đun lấy nước uống, có thể chia ra khoảng 2 đến 3 lần uống một ngày.
Chữa đau bụng do viêm đại tràng
Lấy 200g lá vối tương, vò và đem đi đun cùng 2 lít nước, để nguội trong khoảng 1 tiếng và sử dụng thay nước lọc.
Chữa lở ngứa
Nấu lá vối sau đó rửa sạch vùng da bị viêm, bị lở ngứa. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng nước để gội đầu và tắm rửa sạch sẽ vùng da bị chốc lở.

 Nước lá vối có tác dụng giảm đầy bụng, khó tiêu.

Giúp giảm mỡ máu

Sử dụng 15g nụ cây vối sau đó đun lấy nước uống. Bạn có thể để nguội và chia thành 2 đến 3 đợt uống trong ngày.
Điều trị bệnh gout
Sử dụng 20g lá vối (có thể lá tươi hoặc lá khô) đun trên lửa nhỏ cùng 2 lít nước, tới khi thu được khoảng 1,5 lít, để nguội và uống thay nước lọc trong ngày.

 Nụ hoa vối khô.

LƯU Ý KHI SỬ DỤNG LÁ VỐI
- Lá vối thường được đun lên lấy nước uống. Nấu lá, vỏ, nụ và hoa để chữa đầy hơi, chướng bụng, cân bằng thói quen đi đại tiện và trị viêm đại tràng.
- Khi cần lấy nước uống, cần dùng khoảng 5 lá vối tươi và đun sôi cùng nước trong 20 phút, để nguội là có thể sử dụng ngay. Nếu dùng lá khô thì bạn sử dụng khoảng 6 lá, pha với khoảng 1 lít rưỡi nước và đun trong khoảng 20 phút là có thể sử dụng.
- Không nên lạm dụng quá mức nước lá vối, chỉ nên sử dụng một lượng bằng ấm trà thay cho nước lọc để tránh ảnh hưởng tới việc bài tiết chất ra khỏi cơ thể.
- Việc sử dụng nước lá vối sau khi ăn có thể giảm hấp thu các chất từ thức ăn.
- Không uống nước lá vối khi đang đói bụng vì nước có thể tăng nhu động ruột, gây mệt mỏi, chóng mặt hoặc tụt năng lượng.
- Phụ nữ mang thai và người đang mắc bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để tránh gặp phải những tác dụng phụ đối với sức khỏe.
- Sử dụng nước lá vối cần kết hợp với chế độ sinh hoạt khoa học để cải thiện các bệnh lý trong cơ thể.