Người dân nơi nào có tuổi thọ trung bình cao nhất cả nước?

Theo báo cáo mới nhất, tuổi thọ trung bình của người dân TP HCM cao hơn mặt bằng chung tuổi thọ của cả nước là 2 tuổi.

Theo số liệu sơ bộ công bố, năm 2023, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt đạt 74,5 tuổi, tăng gần 1 tuổi so với năm 2022. Trong đó, nam giới tăng 1 tuổi, còn nữ tăng 0,8 tuổi.

Liên tục từ năm 2019 đến 2022, tuổi thọ trung bình của người Việt dao động từ 73,6-73,7 tuổi; phụ nữ nước ta sống lâu hơn đàn ông khoảng 5,3 năm. Riêng năm 2023, tuổi thọ của phụ nữ Việt bật tăng lên 77,2 tuổi, trong khi nam giới cũng tăng lên 72,1 tuổi.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, người dân thành thị có tuổi thọ cao hơn nông thôn, lần lượt là 76,8 và 74,3. Đáng chú ý, nhiều năm liền, tuổi thọ người thành thị không tăng nhiều trong khi người dân nông thôn tăng 1,6 năm tuổi thọ trong 4 năm, từ 72,7 (năm 2020) lên 74,3 (2023).

Phân theo vùng, Đông Nam bộ (như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai...) là khu vực người dân có tuổi thọ cao nhất nước (76,3 tuổi), thấp nhất là Tây Nguyên: 72 tuổi. Vùng Đồng bằng sông Hồng (như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh...), tuổi thọ trung bình của người dân là 75,7 (cao hơn năm ngoái 0,5 năm).

Tính theo địa phương, TP HCM là địa phương người dân có tuổi thọ cao nhất nước với 76,5 tuổi; tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, lần lượt là 76,4 và 76,3 tuổi. Người dân Hà Nội có tuổi thọ trung bình là 76,1 - mức cao so với trung bình cả nước.

Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum là ba tỉnh có tuổi thọ người dân thấp nhất cả nước, lần lượt là 69,9 - 69,8 và 69,7. So với năm 2022, mức tuổi thọ của 3 tỉnh này năm 2023 đã có bước tăng đáng kể. Tuổi thọ người Kon Tum tăng tới 1,7 năm (từ 68 lên 69,7); Điện Biên tăng 1,5 năm (từ 68,4 lên 69,9), cao hơn mức tăng trung bình cả nước.

Có nhiều yếu tố tác động đến tuổi thọ như môi trường sống, chế độ dinh dưỡng, vận động thể dục thể thao, sức khỏe tinh thần, sự cân bằng về dinh dưỡng và rèn luyện, giữ gìn sức khỏe cùng với sự thuận lợi trong việc tiếp cận hệ thống y tế là những yếu tố giúp tuổi thọ trung bình tăng.

Việc được tiếp cận dễ dàng với các kiến thức dinh dưỡng cũng như chế độ ăn lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho người dân có thể nâng cao tuổi thọ trung bình.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, mặc dù tuổi thọ người Việt cao hơn các nước trong khu vực nhưng số năm sống có bệnh tật lại cao hơn. Cơ quan này đánh giá số năm sống khỏe mạnh của người Việt còn khiêm tốn, chỉ 65 tuổi.

Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật. Trong khi sức khỏe là điều kiện tiên quyết để có cuộc sống tích cực thì mỗi người cao tuổi Việt Nam có tới 2-3 bệnh nền.

Có nhiều yếu tố dẫn đến số năm sống với bệnh tật của người dân Việt Nam còn ở mức cao. Ngoài dinh dưỡng, lối sống chưa hợp lý và môi trường ô nhiễm, còn có việc gia tăng bệnh không lây nhiễm, phổ biến là tim mạch, ung thư và đái tháo đường.

Trong các nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, 2 nguyên nhân hàng đầu được chỉ ra là hút thuốc lá và thừa cân, béo phì. Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho biết tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 41%; Khoảng 1/3 dân số đã từng tiếp xúc với khói thuốc; gần 30% nam giới trưởng thành uống rượu, bia ở mức nguy hại.

Cùng với đó, hơn một nửa người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây. Trong khi đó, người dân ăn muối nhiều gần gấp 2 lần so với khuyến nghị; khoảng 1/5 dân số thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ thừa cân béo phì chiếm gần 20% dân số trưởng thành.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, bão lụt... ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều cộng đồng dân cư, góp phần làm gia tăng các trường hợp nhập viện.

Nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/nguoi-dan-noi-nao-co-tuoi-tho-trung-binh-cao-nhat-ca-nuoc-13753.html