Trước tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các giải pháp đồng bộ, tổng thể, giải quyết cả vấn đề cấp bách, trước mắt với tinh thần “bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và quan trọng nhất”.
Tại Tọa đàm "Các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 12/8, các chuyên gia trong và ngoài ngành y tế đã có những 'mổ xẻ' và đề xuất giải pháp sớm khắc phục tình trạng này.
Thiếu đủ thứ, người bệnh bị ảnh hưởng trực tiếp
Các vị khách mời tham gia Tọa đàm "Các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 12/8 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Khó khăn về thuốc, vật tư y tế được nhìn nhận là tình trạng chung của cả ngành y tế lúc này. Theo báo cáo của Bộ Y tế, 28 Sở Y tế và 12 bệnh viện tuyến Trung ương, trong đó có những bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, đang gặp phải tình trạng này.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ riêng trong quý II/2022, số bệnh nhân đến Bệnh viện tăng đột biến. Lý do là sau hơn 2 năm chống dịch, nhiều người bệnh không được đến các bệnh viện chuyên sâu như Bạch Mai nên sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, số bệnh nhân từ các tuyến, các tỉnh về Bạch Mai khám, chữa bệnh tăng vọt, hầu hết các chuyên khoa đều tăng đến 5 lần. Điều này làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc men vốn đã có từ trước càng thêm trầm trọng.
Một lý do nữa là do mọi nguồn lực đều tập trung cho chống dịch trong suốt 2 năm nên đến nay rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng. Bên cạnh đó, hầu hết máy móc, thiết bị y tế (máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ, máy test CT, robot phẫu thuật…) của Bệnh viện Bạch Mai thuộc các hợp đồng liên doanh, liên kết, khi Bệnh viện thực hiện chủ trương xã hội hoá trong công tác y tế nên khi hết hợp đồng thì dừng hoạt động. Chưa kể có những vướng mắc về quy định pháp lý, nhất là liên quan đến thanh toán bảo hiểm, khi sử dụng các loại máy này điều trị cho người bệnh.
PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhìn nhận, tình trạng thiếu thuốc đã ảnh hưởng đến công tác điều trị người bệnh, nhất là người nghèo, người có công, người yếu thế trong xã hội. Khi chúng ta không có đủ thuốc với giá cả hợp lý thì đây là vấn đề đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực chứ không chỉ riêng ngành y tế.
Khẳng định tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, đang rất trầm trọng và phổ biến trong cả hệ thống khám chữa bệnh, từ các đơn vị trực thuộc Bộ cho tới các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể các trạm y tế tuyến xã, TS. Nguyễn Huy Quang (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cũng cho rằng, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh.
"Khi thiếu thuốc bảo hiểm y tế theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh hoặc thân nhân người bệnh sẽ phải bỏ tiền túi của mình ra để mua thuốc ở ngoài, bù đắp lại những thuốc thiếu do bảo hiểm y tế cung cấp. Tức là do các cơ sở khám chữa bệnh không có đủ nguồn thuốc để cung cấp và như vậy ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng luôn cả vấn đề công bằng, cũng như tính chất an sinh xã hội của xã hội", TS. Nguyễn Huy Quang phân tích.
Vì vậy, muốn có giải pháp thì trước hết phải tìm được nguyên nhân.
Vì đâu nên nỗi?
Bộ Y tế mới bắt đầu đề nghị đưa vật tư, thiết bị y tế vào danh mục để Nhà nước quản lý giá và từng bước thực hiện quản lý giá
Nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được chỉ ra, trong đó có những vướng mắc về pháp lý, tâm lý e ngại của các nhà quản lý trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế.
Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ đề cập trước tiên đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ông Đào Xuân Cơ cho hay, hiện nhiều vật tư tiêu hao, sinh phẩm có trong gói thầu và dù trúng thầu rồi nhưng các nhà cung cấp, các đơn vị phân phối không cung ứng được. Thứ nữa, các công ty được trao thầu, mời thầu thì không chào thầu, không tham gia đấu thầu vì sau hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều công ty có sản phẩm thông dụng, phổ biến, thiết yếu đã bị đứt chuỗi và phá sản.
Bên cạnh đó, giá của các mặt hàng này hiện tại so với giá đã trúng thầu tăng lên rất nhiều nên nhiều công ty không thể chào thầu với giá cũ vì sẽ bị lỗ.
Đề cập đến "đứt gãy chuỗi cung ứng", TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, do dịch COVID-19 nên nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các chuỗi liên quan đến logistics, bảo quản, vận chuyển… bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng cung ứng thuốc vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, chúng ta còn thiếu nguồn cung dược liệu từ Trung Quốc khi quốc gia này đóng cửa biên giới để thực hiện phương châm "Zero COVID".
Một nguyên nhân nữa được chỉ ra là tâm lý e ngại của các nhà quản lý ngành y tế do nảy sinh một số vụ việc tiêu cực liên quan đến mua sắm thiết bị y tế (điển hình là vụ Việt Á). Tâm lý e ngại còn do văn bản pháp quy không rõ ràng, gây lúng túng cho người thực hiện.
Vướng mắc trong văn bản pháp quy là một trong những nguyên nhân chủ quan gây khó khăn cho việc đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Theo Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ, hiện tại một số văn bản pháp quy trong phân loại, mua sắm trang thiết bị vật tư không còn cập nhật nữa (như Thông tư 14/2020/TT-BYT), gây khó khăn cho việc mua sắm, đấu thầu. Các quy định mua sắm đang bó buộc nên rất khó triển khai. Chẳng hạn, nếu mua một số một số thiết bị y tế thì quy định yêu cầu phải có 3 báo giá để xác định giá kế hoạch và các báo giá phải cập nhật trong vòng 12 tháng.
Đề cập vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Quang cũng thừa nhận "tình trạng cơ chế pháp lý của chúng ta đang còn những tồn tại" là nguyên nhân rất chủ yếu. Cùng với đó, thể chế của chúng ta chưa rõ ràng, chưa minh bạch dẫn tới là các đơn vị tham gia đấu thầu, kể cả Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên có tâm lý e dè và e ngại trong việc thực hiện.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, còn rất nhiều nguyên nhân khác, như năng lực tham gia thực hiện đấu thầu còn hạn chế; giá mời thầu thấp so với giá thực tế nên không thu hút được doanh nghiệp tham gia; việc gia hạn, cấp số đăng ký chậm; vấn đề tham gia đấu thầu tập trung quốc gia, vấn đề đàm phán thuốc quốc gia… cũng có những hạn chế nên ảnh hưởng tới nguồn cung.
Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia Nguyễn Thị Ngọc Bảo cũng cho rằng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta không theo kịp thực tế nên đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…
Lời giải cho "bài toán" thiếu thuốc
Chính phủ đồng hành với ngành y tế, đồng thời cũng quản lý ngành y tế để vừa bảo đảm việc đáp ứng đủ thuốc cho người dân vừa bảo vệ được cán bộ làm trong ngành y tế
Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế hiện nay, theo TS. Bùi Thị An, trước hết, Chính phủ cần rà soát và tập trung sửa ngay những vướng mắc trong cơ chế, chính sách liên quan đến thuốc, đấu thầu, mua sắm…
Từ thực tế Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Đào Xuân Cơ cho biết, Bệnh viện hoàn toàn tự tin trong việc mua sắm nếu như các văn bản pháp quy được sửa theo hướng dễ hiểu, dễ làm. "Nếu có các văn bản pháp quy rõ ràng và tạo điều kiện cho việc mua sắm minh bạch, công khai thì chắc chắn những nhà quản lý sẽ không gặp khó khăn gì khi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc cho người bệnh", Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Quang Cơ khẳng định.
Về mặt thể chế, TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đối và sớm ban hành các thông tư hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, giá thuốc, thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư có vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.
Đồng tình với các quan điểm này, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu mua sắm trang thiết bị y tế, cần được cập nhật. Có những nội dung cần sửa đổi kịp thời, ví dụ Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối năm 2021 về nội dung gia hạn số đăng ký thuốc.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho biết trước mắt, Bộ Y tế đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết, đưa ra những giải pháp cấp bách nhất, cần thiết nhất và thiết yếu nhất ở thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo lưu ý các cơ sở y tế cần "lập kế hoạch bảo đảm thuốc men cơ bản nhất nhưng cũng phải dư ra một phần cho tình huống dự phòng".
Có những loại thuốc cá biệt, số lượng sử dụng chỉ đạt khoảng 20-25% so với nhu cầu đặt ra. Như vậy có thể khẳng định là không phải thiếu thuốc ở tất cả các đơn vị và cũng không phải thiếu thuốc ở tất cả các danh mục thuốc mà là do khâu lập kế hoạch.
"Theo quy định của Thông tư 30 năm 2018 của Bộ Y tế, thủ trưởng cơ sở y tế chịu trách nhiệm đảm bảo đủ thuốc trong quá trình điều trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhưng chúng ta không lường trước được những việc xảy ra nên phải có dự phòng", TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Liên quan đến việc thực thi công tác đấu thầu, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho rằng, các tổ chức, cá nhân thực thi cũng góp phần vào tình trạng thiếu thuốc men bởi "năng lực, số lượng nhân lực để thực hiện công tác đấu thầu hiện nay còn thiếu và chất lượng cũng chưa được hoàn hảo như mong muốn". Vì vậy, việc đào tạo năng lực cho cán bộ sẽ đóng góp hiệu quả cho việc đấu thầu, lựa chọn vật tư, trang thiết bị y tế cũng như thuốc men phục vụ công tác điều trị.
Ông Nguyễn Huy Quang cũng có cùng quan điểm này. Đó là năng lực tham gia đấu thầu cả từ Trung ương cho đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn có những hạn chế nhất định. Do đó cần người có kinh nghiệm, am hiểu về trang thiết bị, am hiểu về vật tư y tế, am hiểu về thuốc, am hiểu về các quy định của pháp luật về đấu thầu tham gia.
Một khía cạnh được các chuyên gia đề cập là vấn đề quản lý giá. Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Quang Cơ, hiện nay, các doanh nghiệp tự khai giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế và tự chịu trách nhiệm về tính pháp lý, nhưng chưa có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm. Điều này khiến cho các Sở Y tế và bệnh viện ngần ngại khi làm giá kế hoạch bởi các doanh nghiệp hoàn toàn có thể "bắt tay với nhau thổi giá". Ông Đào Quang Cơ đề xuất cần có liên ngành chịu trách nhiệm về giá công bố trên Cổng thông tin của Bộ Y tế.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, hiện thuốc là mặt hàng Nhà nước quản lý (Bộ Y tế có 1 cơ quan quản lý là Cục Quản lý Dược, trong đó có Phòng Quản lý giá thuốc) nên đã có quy trình kê khai giá và bán giá thuốc rất nghiêm ngặt, có sự điều hành, kiểm soát từ Bộ Y tế. Tuy nhiên, với vật tư, thiết bị y tế thì Bộ Y tế mới bắt đầu đề nghị đưa vào danh mục để Nhà nước quản lý giá và từng bước thực hiện quản lý giá.
Đối với vấn đề giá, TS. Bùi Thị An đề xuất cần cả Bộ Tài chính và Bộ Y tế vào cuộc để thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng cần tham gia nắm bắt giá các mặt hàng thuốc, thẩm định để tìm được giá thích hợp nhất…
Các vị khách mời cũng kiến nghị Chính phủ phải coi đây là giai đoạn cần chỉ đạo quyết liệt như việc chỉ đạo một chiến dịch để các cơ sở có đủ thuốc điều trị cho người dân. Bên cạnh đó, Chính phủ đồng hành với ngành y tế, đồng thời cũng quản lý ngành y tế để tránh xảy ra sai phạm nhằm vừa bảo đảm việc đáp ứng đủ thuốc cho người dân vừa bảo vệ được cán bộ làm trong ngành y tế./.
Nguồn: https://media.chinhphu.vn/khac-phuc-tinh-trang-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-102220818140524137.htm
{comment}