Hạt đậu đen: Bài thuốc quý thải độc, chữa đau lưng, thiếu máu...
Công dụng tuyệt vời của đậu đen
Theo Lương y Nguyễn Thanh Thúy, phòng khám Đông y Ích Thọ Đường, đỗ đen không chỉ là thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng mà còn là vị thuốc tuyệt vời, có vị hơi ngọt, tính mát, bổ can thận, bổ huyết trừ phong, thanh thấp nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, giải độc, tiêu khát.
Trong đậu đen có chứa các chất như glucid 53%, protein 24%, lipid 1,7%, các vitamin A, B1, B2, PP, C; giàu acid amin: lysin, tryptophan, phenylalanin, threonin, valin, leucin, isoleusin, arginin, histidin; Các nguyên tố vô cơ: Ca, P, Fe…có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức lực,...
Đặc biệt, khi kết hợp với các loại thực phẩm khác, nhất là thực phẩm ngũ cốc như: gạo nâu, gạo lức… sẽ tạo ra nguồn protein chất lượng cao, hoàn toàn không có mỡ.
Không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, đậu đen còn là vị thuốc tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Hạt đậu đen thường được dùng chữa phong nhiệt (phát sốt, sợ gió, nhức đầu hoặc trong ngực nóng khó chịu), thuốc bổ khí chữa thận gan hư yếu, thiếu máu.
Trong chế biến một số vị thuốc, đậu đen được dùng nhằm làm tăng tác dụng dẫn thuốc vào thận như khi chế hà thủ ô đỏ, làm giảm độc tính của vị thuốc có độc như phụ tử, mã tiền, ba đậu hoặc làm để tăng tác dụng bổ của vị thuốc.
Ngoài ra, lương y Nguyễn Thanh Thúy cũng chia sẻ thêm, đậu đen còn được sử dụng để chữa đổ mồ hôi trộm cho trẻ. Nguyên nhân là do tạng thận âm dương không cân bằng, cụ thể ở trẻ em đại đa phần thuần dương vô âm, thận âm hư mà sinh đạo hãn (mồ hội trộm).
Tuy vậy muốn cho đậu đen tác dụng vào thận, cần bào chế để đậu đen có tác dụng quy vào thận tốt hơn. Trong quá trình chế biến cho các bé ăn, cha mẹ cần cho thêm chút xíu muối.
Cũng giống như tất cả các loại thực phẩm khác, trẻ ăn nhiều đậu đen quá cũng không tốt, bởi, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, dù đậu đen có tốt đến mấy cũng chỉ nên dùng với lượng vừa phải, ăn uống nhiều quá mức sẽ gây phản tác dụng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài lợi ích cho hệ tiêu hóa, tim mạch, chất xơ hòa tan có trong đậu đen có tác dụng ổn định lượng đường trong máu, tốt cho người bị đái tháo đường.
Nước đậu đen có tác dụng thanh nhiệt, giảm mụn nhọt, dị ứng. Ảnh minh họa
Những món ăn, bài thuốc chữa bệnh từ đậu đen
Chữa đau lưng: Dùng 1 cái đuôi bò và 50g đậu đen đem hầm nhừ với nước. Ăn cả cái cả nước. Ăn 2 - 3 lần/ tuần để sớm cải thiện chứng đau lưng.
Chữa dị ứng, mụn nhọt: Đem đậu đen sao nhỏ lửa cho đến khi ruột bên trong có màu vàng đậm, 50 – 100g, sau đó đem sắc lấy nước uống.
Người mệt mỏi, tiểu tiện bí táo: Dùng canh đậu đen với tỏi bằng cách, lấy một củ tỏi rửa sạch, đập dập nhưng không làm nát quá, cho vào nồi chung với 1/2 chén đậu đen đã rửa sạch, nấu lửa nhỏ đến khi đậu mềm rồi nêm một chút đường, muối cho vừa ăn. Ăn món canh đậu đen tỏi lúc sáng sớm để giúp giảm mệt mỏi, cải thiện tình trạng tiểu tiện bí.
Đậu đen nấu với các loại thực phẩm khác như nước dừa, cá, tỏi... có tác dụng làm giảm đau nhức xương, giảm mệt mỏi, cải thiện tình trạng suy nhược sức khỏe. Ảnh minh họa
Cơ thể suy nhược, thiếu máu: Ăn canh cá nhét, đậu đen có thể làm cải thiện tình trạng thiếu máu, thận suy, tai ù, thần kinh và cơ thể suy nhược. Cá nhét làm thật sạch để không bị tanh, đem chiên hoặc nướng rồi cho vào nồi nấu chung với 40 g đậu đen (đã ngâm nước trước đó vài giờ) trên bếp lửa riu riu cho đến khi đậu chín nhừ, thêm ít tỏi, gừng và nêm vừa ăn.
Đau nhức xương khớp: Dùng canh nước dừa, đậu đen chữa đau nhức các khớp xương, bằng cách lấy một quả dừa xiêm nhỏ không già quá, vạt đầu rồi bỏ 20 g đậu đen đã rửa sạch vào quả dừa, đậy nắp dừa lại rồi đem chưng cách thủy khoảng 3 - 4 giờ cho đậu nhừ, uống nước và ăn cái. Mỗi tháng chỉ cần ăn 1 - 2 lần là đủ.
Điều kinh, dưỡng huyết: Cá trê 250g, đậu đen 150g. Cá trê làm sạch, bỏ mang, ruột, chặt khúc. Đậu đen rửa sạch, đậu đen hầm chín rồi cho cá trê vào hầm cùng với đậu đen tới khi cá chín nhừ, nêm gia vị ăn nóng.
Nguồn: https://giadinhmoi.vn/hat-dau-den-bai-thuoc-quy-thai-doc-chua-dau-lung-thieu-mau-d25600.html
{comment}