Bệnh nhồi máu cơ tim và dấu hiệu nhận biết?
Nguyên nhân dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim
Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim thường gặp nhất là do tắc nghẽn động mạch vành.
Cụ thể hơn, những mảng xơ vữa (bao gồm cholesterol, canxi hay mảnh vỡ tế bào) tích tụ lâu ngày sẽ bám vào thành mạch máu. Đến thời điểm mảng xơ vữa này bong tróc và nứt vỡ, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn tới tắc nghẽn lòng mạch máu. Việc tắc nghẽn dẫn đến không cung cấp đủ máu đến vùng cơ tim phía sau, gây tổn thương và hoại tử cơ tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Độ tuổi thường bắt đầu xảy ra quá trình hình thành mảng xơ vữa là khoảng 30 tuổi, và tiếp tục trong vài năm đến vài chục năm. Với những người có một số yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, đái tháo đường tổn thương mạch máu,… quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn theo thời gian.
Dấu hiệu nhận biết và cảnh báo bị nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm, được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh để có biện pháp xử trí kịp thời là rất quan trọng. Dấu hiệu căn bệnh nhồi máu cơ tim thường bị nhầm lẫn hoặc bị bỏ qua, và cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác. Một số dấu hiệu giúp nhận biết cơn nhồi máu cơ tim có thể xảy ra như:
Bệnh nhồi máu cơ tim và dấu hiệu nhận biết?
Các biểu hiện bên ngoài thường gặp: Đổ mồ hôi, khó thở, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, buồn nôn hoặc nôn, lú lẫn, rối loạn tiêu hóa,…
Cơn đau thắt ngực: Đau như bị bóp nghẹt giữa ngực hoặc hơi lệch sang trái, có những trường hợp đau có thể lan ra cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị. Cơn đau thường kéo dài nhiều phút và không giảm đi khi dùng Nitroglycerin.
Đôi khi nhồi máu cơ tim có thể xảy ra mà không có hoặc ít cảm giác đau (gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng), đặc biệt phổ biến ở bệnh nhân sau phẫu thuật, người già, bệnh nhân có tiểu đường hoặc tăng huyết áp.
Đột tử: Đột tử là trường hợp nặng nề nhất của nhồi máu cơ tim cấp, thường do tắc cấp mạch lớn (thân chung động mạch vành, động mạch vành phải).
Những người dễ mắc nhồi máu cơ tim
Các bác sĩ cho rằng, nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cho các đối tượng, liên quan đến tác động của lối sống thiếu lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất, căng thẳng tâm lý, tiền sử bệnh tim mạch và các bệnh lý khác… Mặc dù nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên người có tuổi thường có nguy cơ cao hơn. Tuổi tác gây ra sự suy giảm chức năng của hệ tim mạch, làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa trong động mạch vành.
Người có tiền sử gia đình mắc bệnh: Nếu trong gia đình có người mắc nhồi máu cơ tim ở tuổi trẻ hoặc có tiền sử về bệnh tim mạch, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên.
Người hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây nhồi máu cơ tim. Các chất hóa học trong thuốc lá gây tổn hại đến mạch máu và làm tăng khả năng hình thành mảng xơ vữa.
Người có rối loạn lipid máu: Mức độ cao của cholesterol và triglyceride trong máu cũng là một yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim. Mức cholesterol cao có thể làm tắc nghẽn mạch máu và gây suy giảm lưu lượng máu đến cơ tim.
Người bị tăng huyết áp: Áp lực máu cao kéo dài gây tổn thương đến mạch máu và tăng nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim. Tăng huyết áp cũng là một yếu tố gây suy tim và bệnh động mạch.
Người bị tiểu đường: Tiểu đường không kiểm soát tốt làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim. Tiểu đường làm tổn thương mạch máu và gây suy giảm chức năng tim.
Người béo phì: Béo phì là một yếu tố nguy cơ độc lập gây nhồi máu cơ tim. Cân nặng cao tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây căng thẳng cho hệ tim mạch.
Sơ cứu đúng cách
Khi có bệnh nhân mắc nhồi máu cơ tim, nếu biết cách sơ cứu đúng có thể giảm thiểu tình trạng và bảo toàn tính mạng cho người bệnh. Để tiến hành sơ cứu người bệnh, đầu tiên, cần cho người bệnh ngừng ngay mọi hoạt động và nghỉ ngơi.
Để người bệnh nhồi máu cơ tim với tư thế nửa nằm nửa ngồi với chỗ tựa lưng hoặc đầu thoải mái. Trong giai đoạn này, giữ tinh thần bình tĩnh, tránh căng thẳng và lo lắng là rất quan trọng.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân hít thở sâu và chậm, nới rộng quần áo. Nếu có thể, trong khi chờ đợi sự hỗ trợ y tế, người bệnh có thể sử dụng thuốc nitroglycerin đặt dưới lưỡi để giúp kiểm soát tình trạng sức khỏe.
Nhanh chóng đưa người bệnh đến các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và phát hiện bệnh kịp thời.
Với những bệnh nhân đã được xác định mắc nhồi máu cơ tim, điều trị chuyên sâu tại các đơn vị chuyên khoa tim mạch là rất cần thiết. Yếu tố quan trọng nhất trong việc điều trị các cơn nhồi máu cơ tim là xác định nhanh chóng NMCT và có can thiệp kịp thời chạy đua với thời gian để giải phóng mạch máu bị tắc nghẽn càng sớm càng tốt.
Bác sĩ khuyến cáo, để ngăn ngừa và quản lý bệnh nhồi máu cơ tim, việc duy trì một lối sống lành mạnh là rất quan trọng. Điều này bao gồm ăn một chế độ ăn giàu chất xơ, hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, kiểm soát cân nặng và duy trì mức đường huyết ổn định.
Đồng thời, bệnh nhân nhồi máu cơ tim nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ theo chỉ đạo của bác sĩ để phát hiện sớm và điều trị các vấn đề tim mạch.
Bằng cách áp dụng những biện pháp phòng ngừa và thay đổi lối sống, chúng ta có thể chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh và duy trì một trái tim khỏe mạnh để tận hưởng cuộc sống lâu dài và chất lượng.
Nguồn: http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/benh-nhoi-mau-co-tim-va-dau-hieu-nhan-biet-a204880.html
{comment}