4 món ăn bài thuốc dưỡng não từ viễn chí
1. Công năng của viễn chí
Vị thuốc viễn chí còn gọi khổ viễn chí (Trấn Nam Bản Thảo), chí nhục, chí thông, viễn chí nhục, chích viễn chí (Trung Quốc Dược học Đại từ điển).
Tên khoa học là Polygala tenuifolia Willd, thuộc họ Viễn chí (Polygalaceae).
Cây viễn chí là cây thảo, sống lâu năm. Đường kính thân 1-6mm. Lá phía dưới nhỏ hơn, hình mác, ở cả hai mặt đều có lông nhỏ, mịn. Hoa mọc thành chùm, dài 3-7cm. Cánh hoa màu lam tím. Cây này mọc nhiều ở miền Trung (Nghệ Tĩnh).
Viễn chí là rễ phơi khô của cây viễn chí Polygala sibirica L., hoặc của cây viễn chí Polygala tenuifolia Willd.
Ở Việt Nam có nhiều loài viễn chí như Polygala japonica Houtt., Polygala sibirica L... nhưng chúng chưa được khai thác.
Cây viễn chí là cây thuốc quý.
Vào mùa xuân, viễn chí được đào lên, bỏ thân tàn, rễ con và đất, phơi cho vỏ hơi nhăn, rút bỏ lõi gỗ, phơi khô là được.
Bộ phận dùng làm thuốc:Rễ khô (Radix Polygalae). Vị thuốc ống to, thịt dầy, bỏ hết lõi gỗ là thứ tốt.
Viễn chí hình ống dài, cong, dài 3-13cm, đường kính 0,3 – 1cm. Vỏ ngoài màu vàng tro, toàn thể có đường nhăn ngang và vân nứt tương đối dày và lõm sâu. Vị thuốc giòn, dễ bẻ gẫy, mặt cắt ngang màu trắng vàng, ở giữa rỗng; hơi có mùi, vị đắng, hơi cay, nhai có cảm giác tê cuống họng.
Viễn chí vị đắng cay tính ấm, không có độc, trầm mà giáng xuống, là thuốc âm trong dương dược, chuyên chạy vào thận kinh, lại chạy vào tâm tỳ.
Vị thuốc viễn chí có tác dụng dưỡng tâm, an thần.
Công năng:
- Bổ thận, mạnh chí, định tâm, bổ tinh chữa chứng hay quên kinh sợ hồi hộp, trừ chứng mộng di hoạt tinh.
- Thông tâm khiếu, làm cho tỏ tai sáng mắt, chữa chứng nóng ngoài da, hạ được chứng ho bởi khí nghịch ở các mô.
- Chữa trẻ em động kinh...
2. Một số bài thuốc và món ăn từ viễn chí dưỡng não
2.1. Cháo viễn chí, hạt sen
- Thành phần: Viễn chí 10g, hạt sen tươi 250g, trứng gà 4 quả, thịt heo
nạc dăm 200g, gạo tẻ 140g, gạo nếp 65g, cà rốt 1 củ, hành tím, hành lá, gia vị và dầu ăn.
- Cách làm: Vo gạo cho sạch rồi cho vào nồi. Đem thịt heo rửa sạch và băm nhỏ. Rửa sạch hạt sen, bổ đôi bỏ tim sen và ngâm với nước ấm trong vài giờ. Trứng đem rửa sạch, luộc chín và bóc vỏ.
Cà rốt cắt hạt lựu, hành tím và hành lá cắt nhỏ. Sau đó hầm hạt sen với 1 lít nước cùng ½ thìa muối cho đến khi hạt sen mềm. Cho gạo nếp và gạo tẻ vào nấu đến khi hạt sen và gạo chín nhừ là được.
Cho thịt vào và đun thêm khoảng 5 phút rồi thêm cà rốt, hành tím và hành lá. Đun thêm 3 – 5 phút rồi tắt bếp, nêm nếm gia vị vừa ăn, dùng cháo khi còn nóng và ăn cùng với trứng luộc.
- Tác dụng: An thần, giúp ngủ ngon, dễ ngủ và bồi bổ sức khỏe.
- Diễn giải bài thuốc:
-
Viễn chí định tâm an thần
-
Hạt sen có vị ngọt chát, tính bình, tác dụng cố tinh, ích thận và dưỡng tâm.
-
Các thực phẩm còn lại chứa thành phần dinh dưỡng đa dạng, dồi dào có tác dụng cải thiện sức khỏe, phục hồi thể trạng và giảm mệt mỏi rõ rệt.
Để cải thiện giấc ngủ và phục hồi sức khỏe, nên dùng món cháo hạt sen đều đặn 1 lần/ngày trong 5 – 7 ngày liên tục.
Sau khi chứng mất ngủ được cải thiện, bạn có thể dùng món cháo này 2 – 3 lần/tuần để duy trì sức khỏe, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa và phòng ngừa suy nhược.
Hạt sen cố tinh, ích thận, dưỡng tâm.
2.2. Cháo viễn chí, hạt sen, long nhãn
- Thành phần: Gạo nếp 50g, viễn chí bỏ lõi 10g, hạt sen (bỏ tâm) 30g, long nhãn 30g, gia vị vừa đủ.
- Cách làm: Đem hạt sen và gạo nếp rửa sạch và ngâm cho mềm. Sau đó cho vào nồi đun với 1 lít nước trong 30 phút. Khi gạo và hạt sen chín mềm, cho cùi nhãn vào và nấu thêm 10 phút. Sau đó nêm nếm gia vị vừa ăn, tắt bếp và dùng khi cháo còn nóng.
- Tác dụng: Chữa chứng mất ngủ mạn tính, khó ngủ, hay thức giấc giữa đêm, có thói quen dậy sớm nhưng cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng và thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày.
- Diễn giải bài thuốc:
-
Viễn chí định tâm an thần
-
Hạt sen có tác dụng cố tinh, ích thận và dưỡng tâm
- Long nhãn vị ngọt, tính ấm, tác dụng an thần, bổ tâm tỳ, dưỡng huyết. Theo dược lý hiện đại, thảo dược này có khả năng tăng sức đề kháng, trẻ hóa làn da, tăng độ đàn hồi của mạch máu và bảo vệ các tế bào thần kinh.
Có thể dùng món cháo này 2-3 lần/tuần.
Toan táo nhân liễm tâm an thần.
2.3. Bài thuốc -Thiên vương bổ tâm đan
- Thành phần: Sinh địa hoàng 160g, toan táo nhân 40g, thiên môn đông 40g, bá tử nhân 40g, đơn sâm 20g, đảng sâm 20g, viễn chí 20g, ngũ vị tử 40g, đương quy thân 40g, mạch môn 40g, huyền sâm 20g, bạch linh 20g, cát cánh 20g.
- Cách dùng: Tất cả tán bột mịn luyện mật làm hoàn. Lấy chu sa làm áo. Mỗi lần uống 12g.
- Tác dụng: Tư âm thanh nhiệt, bổ tâm, an thần.
- Diễn giải bài thuốc:
-
Sinh địa, huyền sâm tư âm thanh nhiệt để dưỡng tâm an thần là chủ dược.
-
Đơn sâm, đương quy bổ huyết, dưỡng tâm.
-
Đảng sâm, phục linh bổ ích tâm khí.
-
Bá tử nhân, viễn chí định tâm an thần.
-
Thiên môn, mạch môn tư âm thanh nhiệt.
-
Ngũ vị tử, toan táo nhân liễm tâm, an thần.
-
Chu sa an thần.
- Cát cánh dẫn dược đi lên.
Các vị thuốc hợp lại thành một bài thuốc có tác dụng tư âm, thanh nhiệt, dưỡng tâm an thần.
2.4. Bài thuốc - Định chí hoàn
- Thành phần: Nhân sâm hoặc đẳng sâm 30g, phục linh 30g, thạch xương bồ 20g, viễn chí 20g.
- Cách dùng: Tất cả sấy khô, tán bột làm hoàn hồ. Mỗi lần uống 10g, ngày 1 – 2 lần uống.
- Tác dụng: Trị suy nhược thần kinh, quên lẫn, rối loạn trí nhớ...
- Diễn giải bài thuốc:
-
Đẳng sâm bổ trung khí kiêm ích phế khí, sinh tân, dưỡng huyết.
-
Viễn chí định tâm an thần.
-
Bạch phục linh có tác dụng lợi niệu thẩm thấp, kiện tỳ, an thần...
-
Thạch xương bồ có tác dụng khai khiếu tỉnh thần, chủ trị thần kinh suy nhược, bị phong thấp nhức xương, cảm gió, giúp sáng tai mắt, thông khiếu...
Nguồn: https://suckhoeviet.org.vn/4-mon-an-bai-thuoc-duong-nao-tu-vien-chi-7248.html
{comment}